2024 là năm có thể nhìn ra nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, không có kênh đầu tư nào toàn thắng mà sẽ có một “bức tranh đầu tư” nhiều màu sắc.
Bức tranh đầu tư đầy màu sắc
Năm 2021 từng chứng kiến sự lên ngôi của các tài sản kỹ thuật số, xu hướng đầu tư vào công nghệ mới, làn sóng đổ tiền vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và sự vươn lên mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân.
Năm 2022 lại là một năm đầy cảm xúc của giới đầu tư khi chứng kiến môi trường đầu tư nhiều yếu tố bất định như lạm phát tăng cao trở lại, đại dịch chưa hoàn toàn kết thúc, sự phục hồi phân hóa giữa các nhóm ngành, diễn biến khó đoán của vàng, USD khi các nền kinh tế dần thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán giảm mạnh, bất động sản đối mặt với nhiều sức ép, lãi suất tăng cao…
Đến năm 2023, thị trường tài chính chứng kiến làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm ở tất cả ngân hàng trong bối cảnh ngân hàng “thừa tiền”, VN-Index trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi còn vàng, sau nhiều thập kỷ có mức sinh lãi thấp và không được chú ý thì trở lại giữa lúc kinh tế nhiều bất ổn, lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao.
Trước các yếu tố đang hiện hữu, năm 2024 được đánh giá có thể tạo ra một bức tranh đầu tư nhiều màu sắc. Theo đó, đầu tư với từng lĩnh vực khác nhau, như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền USD…
Với chứng khoán, 2023 là năm chứng khoán đứng số 1 về mức độ tăng trưởng lợi nhuận. Vào quý III và cả quý IV, dòng tiền trên thế giới có xu hướng tìm đến các kênh an toàn hơn so với cổ phiếu, khiến thị trường chứng khoán có sự chững lại. Điều này dự kiến còn kéo dài qua đầu năm 2024, khó có thể sớm cải thiện.
Tuy nhiên năm 2024, lĩnh vực này chỉ đứng số 2 hoặc số 3. “Sóng” trên thị trường chứng khoán năm 2024 có thể có và nghiêng về cuối năm nhiều hơn, đồng pha với sự phục hồi của nền kinh tế và sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Với bất động sản, lĩnh vực này đang ở vùng đáy vào năm 2023, sang năm 2024 có thể chưa thể phục hồi, chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn hoàng kim nhưng “ấm” hơn vào cuối năm 2024. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nhiều nét tương tự với bất động sản. Giai đoạn trầm lắng nhất cũng đã qua, năm 2023 phát hành trái phiếu cũng đã cải thiện hơn.
Đối với vàng vật chất, mức giá giao dịch đã ở đỉnh lịch sử vào cuối năm 2023, có thể duy trì đà tăng trong năm 2024 nhưng mức độ tăng giá không nhiều. Ông Khánh quan điểm đầu tư vàng khó có lời nhiều, vì mặc dù giá vàng đã ở mức cao nhất lịch sử nhưng lợi nhuận năm nay chỉ tăng hơn 10%, có thể gấp đôi tiền gửi tiết kiệm nhưng không được với chứng khoán.
Đầu tư vàng cần sự dài hạn hoặc chiếm tỷ trọng vừa phải trong danh mục, không nên xuống toàn bộ vốn. Tỷ trọng an toàn, vừa phải khoảng 5-10%, hoặc cao nhất là 20%, không nên cao thêm nữa.
Về tỷ giá và ngoại hối, dự báo năm 2024, tỷ giá vẫn ổn định như nhiều năm qua, tuy nhiên đồng USD có thể sẽ theo xu hướng tăng trong khoảng nửa đầu năm 2024 rồi mới giảm lại vào nửa cuối năm.
Chọn kênh đầu tư nào trong năm 2024?
Trong bối cảnh lãi suất rẻ, thị trường bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn, tỷ giá khó biến động mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sáng nhất năm 2024.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới nhờ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ…
Đáng chú ý, với nền tảng công nghệ thông tin trên thị trường, giai đoạn kiểm thử của dự án KRX sắp kết thúc và dự kiến vận hành vào cuối năm 2023 được cho là sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới, gồm cả việc đa dạng hóa những sản phẩm dịch vụ và cơ hội nâng hạng thị trường.
Nhận định về cơ hội của ngành chứng khoán, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI Hoàng Việt Phương cho rằng, dù khó dự đoán chính xác, nhưng những yếu tố tích cực có thể lấn át yếu tố tiêu cực. Đơn cử như việc dòng vốn FDI và xuất khẩu sẽ tốt hơn; đầu tư công tiếp tục duy trì và kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn.
Dựa trên triển vọng phục hồi của nền kinh tế, Giám đốc Phân tích VDSC Nguyễn Thị Phương Lam dự báo, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2024 ở mức trung bình là 19%. Dự báo đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Các chuyên gia đều cho rằng, chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhất bởi đây là thị trường của sự kỳ vọng, có thể ví thị trường chứng khoán như một chiếc lò xo nhạy. Thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng, chi phí cơ hội lớn. Đây cũng là kênh đầu tư có biên độ lớn.
Ngoài ra, thị trường sẽ dựa trên các xu hướng là những công ty nổi trội hơn về tăng trưởng lợi nhuận như các công ty công nghệ, chứng khoán. Hiện các doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng giảm lượng hàng tồn kho, do đó dự kiến nhóm này sẽ cải thiện tích cực hơn vào năm 2024. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng hỗ trợ nhóm ngành bán lẻ phục hồi. Hiện tại, định giá đang cao hơn mức bình quân 3 năm, tức phản ánh tương đối phù hợp cho kỳ vọng.
Đồng thời, một số nhóm ngành khác cũng mang triển vọng lớn, như ngân hàng, bất động sản (chọn lọc), hàng tiêu dùng, năng lượng, dịch vụ phần mềm, dược. Đây đều là các ngành có triển vọng trong 2024.