Hẳn nhiều người đã từng dễ dãi nghe theo ai đó, nhảy bừa vào mua một vài mã cổ phiếu mà chỉ xem qua loa, thậm chí không cần biết gì về doanh nghiệp, cứ nghĩ là tốt vì thấy người ta bảo thế. Và thấy nhiều người khác có vẻ tin thế. Có lần “ăn” được, có lần không. Dù có thua lỗ, nhưng đầu óc vẫn mụ mị nghe và tin theo…
Những con gà chắc đều ít nhiều từng ăn thua đủ với hàng “cờ bạc”, “giấy lộn”, hàng “bơm thổi”, có “lái”7. Trên thực tế, ít người “cháy” tài khoản khi kiên trì nắm giữ những mã cơ bản tốt, VN30 hay những hàng đầu ngành… Ít nhất thì đại đa số những mã này cũng đã được tuyển chọn theo một quy trình chặt chẽ với nhiều tiêu chí rõ ràng, chi tiết, để có thể yên tâm hơn về chất lượng cổ phiếu. Mặc dù với nhiều người, dù đã chọn danh mục toàn cổ phiếu Blue chips, nếu ra vào không đúng sóng thì cũng lãnh đủ – mua VN30 đúng đỉnh, xét một khía cạnh nào đó thì cũng khác gì đánh bạc.
Nhắc đến “lái”, nói gì thì nói, muốn “lái”, phải biết TA đã. “Lái” mà không có cơ bản TA, hoặc có các đại đệ tử rành TA, là vứt.
– Để làm gì? Cổ phiếu “lởm” thì TA cái gì mà TA.
– Đúng thế, ở thị trường này, đâu phải các cổ phiếu đều thoả mãn các yêu cầu cơ bản để chơi theo TA đúng nghĩa. Nhưng biết TA, thì mới dễ “lùa gà”. Vì thế, đã mang thân phận gà, càng phải biết và sớm học TA căn bản.
Để làm gì? Để tránh bị TA lởm lừa chứ sao. Sao lại dùng TA lừa nhau? Từ từ khác biết.
Khúc dạo đầu
Những người mới “chơi” chứng khoán, thường băn khoăn nên lựa chọn cổ phiếu theo phương pháp FA (phân tích cơ bản) hay Cũng lờ mờ như phân biệt giữa đầu cơ và đầu tư vậy. Có những cái phân biệt rõ ràng được, có những yếu tố thì không.
Nhưng những con gà đang muốn thành nhà đầu tư thông minh, hãy cố gắng để đừng sớm hình thành kiểu đầu cơ hám bạc. Muốn vậy, ngoài FA, nên biết chút TA. Nên chọn cả hai, tại sao không! Mặc dù, chẳng cần TA và FA, vẫn có những người may mắn thu lãi cao và cười vào mũi những con gà.
Trong TA thì cũng chẳng có gì mới mẻ, khi tranh luận rằng TA là khoa học, hay nghệ thuật? Cho có vẻ cao siêu thôi (rất nhiều chuyên ngành hẹp trong khoa học chính trị và kinh tế, xã hội đều có những tranh luận như vậy). Đơn giản là vì, liên quan đến phân tích các số liệu thống kê có vẻ rất rối rắm và rất khoa học, thì các phán đoán, suy luận và khuyến nghị được rút ra từ đó, trong các lĩnh vực này, lại đã không thể nào loại bỏ được yếu tố chủ quan rồi, dù có ra vẻ khách quan lắm. Vậy nên mới lồng thêm chữ nghệ thuật và dấu hỏi tu từ, để che đậy cái gọi là: cảm tính. Từ khi TA du nhập về nước ta, xuất hiện nhiều “chiên da” nhận định thị trường chứng khoán, dày đặc mỗi ngày trên các trang mạng. Nhiễu.
Như đã nói, TA có đủ các chỉ báo khác nhau, nhưng chung quy cũng đẻ ra từ khối lượng và giá cả8. Lượng đổi thì chất đổi – cái này hình như quy luật triết học, “đếch” phải TA.
Các chỉ báo mà hội tụ, thì độ tin cậy cao hơn. Và ngược lại. “Lái cuốc gia”9 chỉ nhìn có 5 chỉ báo là cùng, liếc mắt biết ngay đáy hay đỉnh. Đừng hỏi vì sao. Đơn giản là muốn biết đỉnh hay đáy, chờ nó đi qua, là biết10.
Gần đây, ở nhiều diễn đàn chứng khoán chuộng các mô hình TA dơi, bướm, cua cá, xABCD11… để nhận định chém gió. Mô hình nào cũng vẫn cần kết hợp với các chỉ báo kinh điển, kiểu như MACD, RSI thôi, để tăng độ tin cậy. Chẳng qua mô hình thì trông trực quan hơn chút. Nhưng VNI vừa rồi, vượt hết các mốc 500, 600, 700, 800… thì trên f319 chẳng hạn, không có “cao thủ” TA nào với mô hình nào có thể biết rõ đỉnh hay rành rẽ đường đi của VNI qua từng giai đoạn ngắn hạn cả đâu. Chỉ là ném đá dò đường, sai đâu sửa đó mà thôi.
Một cái hơi sai sai, là lẽ ra cần đợi xác lập xong mô hình mới phán, thì cao thủ TA trên f319, vẽ sẵn trước vài tháng với cả năm rồi phán, trúng thì trúng, mà trượt thì trượt (chỉ cần thòng một câu: đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng). Đó chính là lỗi phổ biến của những người quá đề cao, lạm dụng TA mà quên rằng, không được ép thị trường phải đi theo ý nghĩ chủ quan của mình; không được áp đặt cho thị trường một mô hình sẵn có nào đó. Khổ mấy đàn gà con không rõ, lao theo kiếm mồi. Sớm quá, hay muộn quá, đều là mồi ngon cho cáo. Nếu cứ xét về dài hạn, lái cuốc gia dự đoán từ 5 năm trước, kiểu gì VNI cũng vượt 900. Kết quả đúng 100%, cấm cãi.
Các thánh TA12 mở mồm ra là bốc mùi xu hướng, kênh, “chen” loạn xì ngậu như sông Tô lịch. Nhưng mấy cái dễ chém gió, như là nói chung chung về xu hướng dài hạn, thì cũng đừng xem nhẹ. Xu hướng 2016-2018 là lên, TA mà cứ dọa VNI giảm về 500 là không thức thời. Phải như lái cuốc gia, biết trước xu hướng tăng phá 1000 là ko cưỡng lại được13.
Mấy ngưỡng kháng cự với hỗ trợ cũng kinh. Nhất là những ông ngộ chữ, mà hễ mở mồm ra là hỗ trợ cứng với kháng cự mạnh. Từ giá 10 đi lên 500, thì cái nào là hỗ trợ với kháng cự? Lái đánh từ 1 lên 20 thì cái nào cứng cái nào mềm. Mấy con lởm cứ sáng sàn chiều trần, giữa ngày tham chiếu, biên độ dao động rộng như “lỗ nẻ” thì nghĩa làm sao.
Mà sẵn liên quan, tất cả TA có thể thu gọn trong một chữ: Giá. Rồi từ đó đẻ ra đủ thứ đường giá (trung bình) ngắn dài, cắt nhau… Chung quy tất cả hàng lởm hay ngon, đều quy thành giá tăng hay giảm bao nhiêu %. Lái hay không lái, kỳ vọng hiện tại và tương lai, cung và cầu gì cũng thể hiện trên giá. Và vì tâm lý thị trường, kỳ vọng khác nhau dẫn đến các mức giá khác nhau đẻ ra quyết định mua bán khác nhau. Như vậy, chỉ biết giá đóng cửa, mở cửa, tham chiếu, trần sàn, là coi như biết TA rồi. Các con gà tha hồ tự hào, nhá.
Nói thế thì gà qué với chuyên gia bằng nhau hết à. Sao có bao nhiêu thánh TA đã đạt đến thập thành bạch định công lực, trăm trận trăm thắng. Phét. Ở đâu trên thế giới này không biết, chứ ở xứ này, chỉ chém gió. Lái cuốc gia hồi VNI rơi chơi vơi từ đỉnh 1170 về gần 200, cũng còn đoán sai bét tè lè nhè ra. TA cái cóc gì, còn cái quần là may.
Giờ chẳng qua là xu hướng lên, nói phét kiểu gì chẳng trúng. Thị trường con bò, giá lên, cổ phiếu nào rồi chẳng tới lượt “cởi trần”. Chỉ là chọn hàng chất và biết kiên nhẫn chờ thời. Kiên nhẫn. Hiểu chưa các con gà. Còn như ai mà vẫn lỗ trong xu hướng lên thì cần xem lại phương pháp đầu tư của mình, đừng suốt ngày đi nghe mấy thánh TA lùa gà. Nhảy đi nhảy lại toàn nhảy vào đỉnh sóng ngắn, rồi toàn ôm đúng hàng rác. Không lỗ mới lạ.
Cũng nói thêm, giá khớp lệnh phản ánh tâm lý nhà đầu tư khi ra quyết định mua hay bán. Dù cái giới hạn T+ có vớ vẩn thế nào, nó vẫn phản ánh tâm lý T+ vào các mức giá kỳ vọng và khớp lệnh. Đồ thị giá, cũng có thể xem như một hình ảnh trực quan phản ánh tâm lý thị trường chung và riêng lẻ đối với từng cổ phiếu. Vì thế, muốn giỏi TA, hãy tìm hiểu môn tâm lý học. Nhớ chưa các con gà…
F319 cũng không hẳn chỉ là lùa gà cả đâu nhé. Vẫn nên có chút niềm tin. Chứ có nhiều người, lại rất không hay thường là biết chút TA hay mới có chút kinh nghiệm, mở mồm ra toàn nói kiểu như, trên mạng ảo hay “trong chứng khoán, chẳng tin bố con thằng nào ngoài bảng giá, ngoài chính bản thân mình”. Nghe tưởng hay. Nhưng chính họ có khi không hiểu được họ nói gì đâu. Vẽ nhằng nhịt cái đồ thị với lập loè mấy chục cái chỉ báo, mô hình rối rắm. Để loè gà. Chứ họ còn không biết rõ thị trường hôm nay, ngày mai sẽ tăng hay giảm, nên mua hay bán, thì khuyên được ai.
F319 là nơi giao lưu chém gió. Nhưng nó cũng là một tập đủ lớn để lấy dữ liệu thống kê, phân tích, hay đơn giản hơn là để tìm hiểu tâm lý một bộ phận nhà đầu tư. Hãy biết khai thác một cách hiệu quả. Dù độ tin cậy có thấp, dù nhiều người hay nói ngược. Nói loạn nhiều, rồi tâm lý cũng bị loạn, đầu tư kém hiệu quả, thiếu vắng niềm tin và sự chia sẻ thành thật.