Bộ lọc cổ phiếu
Chỉ cần dùng một vài bộ lọc cổ phiếu trong TA thì có thể tìm ra ngay 10 – 20 mã cổ phiếu có vẻ thú vị để tham khảo mỗi ngày. Tuy nhiên, kỳ vọng lãi bao nhiêu, diễn biến tăng giảm từng phiên, từng tuần sau đó thế nào, chi tiết cho từng cổ phiếu thì giỏi TA cũng chịu. Không ai có thể biết được chắc chắn giá của cổ phiếu này hôm nay, ngày mai hay tuần sau sẽ là bao nhiêu cả, đừng vội tin.
Còn nếu cổ phiếu nào mà ai đó rỉ tai cho bạn biết ngày mai sẽ chốt phiên giá bao nhiêu, ngày kia chốt phiên giá bao nhiêu một cách chính xác tài tình, hãy tránh xa hoặc liệu liệu mà ăn non rồi về, kẻo có ngày khóc hận vì đó là điều bất thường. Bởi lẽ đơn giản, giá của cổ phiếu đó không còn được quyết định bởi cung cầu thị trường một cách khách quan nữa mà có sự “can thiệp thô bạo”. Và những người chủ đích tạo ra, họ không cùng chung lợi ích với phần còn lại của cuộc chơi.
Với những người biết chút TA, thì việc lọc cổ phiếu theo các dấu hiệu tăng giảm của dòng tiền vào, ra; các điểm mua bán bằng việc đặt các điều kiện cụ thể để lọc cổ phiếu theo các dấu hiệu của đường MA, EMA, MACD, RSI, ADX, BB, sự tăng giảm đáng kể của khối lượng… là không khó.
Mỗi ngày, tuỳ thuộc diễn biến giá và khối lượng giao dịch thì lại có kết quả lọc có thể khác nhau. Muốn có dấu hiệu báo mua sớm, thì đặt điều kiện thấp, lỏng lẻo hơn và sai số đương nhiên sẽ nhiều hơn. Muốn có dấu hiệu rõ ràng thì các điều kiện lọc chặt chẽ hơn, cần thoả mãn nhiều điều kiện hơn, và sẽ chậm hơn.
Việc lọc cổ phiếu là hữu ích, nhưng chỉ để giúp các bạn phát hiện nhanh hơn, thuần túy về TA, thay vì tìm kiếm thủ công, và cũng giúp các bạn dễ đoán xu hướng tích lũy, tăng, hay giảm, hay chuẩn bị đảo chiều… Còn việc đảm bảo chắc ăn, đánh đâu trúng đó thì cũng mơ hồ như nhìn vào đồ thị để đoán già đoán non như chuyện sờ chân voi, mà thôi.
Vì thế, nếu muốn có thêm những cơ sở để tự tin mua bán, hãy học thêm chút về TA, về cách lọc cổ phiếu (code rất đơn giản và được chia sẻ miễn phí trên nhiều diễn đàn). Nhưng để thành công trong đầu tư chứng khoán, thì bao nhiêu đó chưa đủ đâu. Hãy tìm đến FA sau khi lọc bằng TA, hoặc lọc theo FA rồi thì dùng TA để tìm hiểu thêm, làm điểm tựa cho việc ra quyết định. Thêm vào đó, cần hiểu tâm lý đầu tư là một chìa khóa quan trọng mở cánh cửa thành công. Không có yếu tố này, bộ lọc đúng chỉ như là một cái máy. Mà ngay cả lạnh lùng như robot chứng khoán, cũng đừng tin là dễ chiến thắng được ở một thị trường “tâm lý chiến”.
Có thể dễ dàng mỗi ngày tìm ra 10 mã cổ phiếu…, nhưng thực tế không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ lãi thật khi chọn mua bán một vài mã trong số đó, nếu ko tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin liên quan. Cộng với tâm lý T+ đã thấm nhuần, thì cũng khó mà đợi đến lúc ăn trọn một con sóng lớn nếu “chẳng may” lọc đúng. Mặc dù rất nhiều người trong cả con sóng dài tưởng như vô tận vừa qua, đều đã từng vài lần có cổ phiếu ngân hàng hay chứng khoán trong tài khoản, nhưng lại vội vàng bán đi ăn vài %, đâu được hưởng vài chục %, hay vài trăm % đâu. Lọc. Loè nhau chút cho vui, mà thôi.
Tiếp chuyện “bộ lọc”
Người chưa biết, hoặc mới tập chơi theo TA, chắc ít nhất 1 lần tò mò tìm hiểu, hoặc kiếm cho được một bộ lọc cổ phiếu thần thánh, mà ở đó chỉ sẵn ra những cổ phiếu “ngon ăn” nhất. Cứ hình dung, chỉ cần bấm chuột, máy chạy, mã cổ phiếu hiện ra, chọn lấy, xuống lệnh, đợi hàng về, và có tiền. Nhẹ nhàng thì 5-7%, kha khá thì 15-20%, tốt thì 50-100%. Quá ngon. Chứng khoán quá dễ. Kiếm tiền không khó.
Bộ lọc, hay gọi là gì đi nữa, cuối cùng cũng là việc đặt ra một số điều kiện đầu vào, dựa trên các chỉ báo phân tích kỹ thuật mà cho tín hiệu mua bán sớm, hay vừa, hay muộn chút. Các chỉ báo đó thì cũng là xây dựng vài công thức đơn giản hoặc phức tạp hơn chút, dựa trên hoặc giá, hoặc khối lượng, hoặc cả giá và khối lượng. Không có gì khác để mà tỏ ra nguy hiểm hơn, như thể chỉ có bạn mới phát hiện được dòng tiền thông minh đang gom hàng, hay vừa phát tín hiệu, chờ bạn cùng lên tàu khởi hành về đích.
Điều kiện, thuật toán càng đơn giản thì càng dễ tìm, ví dụ như tìm cổ phiếu thỏa mãn điều kiện giá đóng cửa cao hơn giá cao nhất của 10 phiên trước đó, hoặc giá trung bình của 20 phiên trước đó, hoặc có đường MA 20 cắt lên (>) đường MA50, hoặc có khối lượng giao dịch trong ngày cao gấp 2 lần khối lượng trung bình của 10 phiên liền trước đó chẳng hạn.
Muốn khắt khe hơn nữa thì đặt điều kiện như đường MA5 cắt lên MA20, MA20 cắt lên MA50, MA50 cắt lên MA100, MA100 cắt cắt cắt…
Muốn phức tạp hơn nữa thì kết hợp với dấu hiệu báo mua (bán) của MACD, ROC, RSI, ADX, T3…, phối hợp với EMA, WMA…, giá phải so sánh với cả mức giá trung bình của 3 tháng, 6 tháng trước đó chẳng hạn (thời kỳ tích lũy lâu).
Nói thế để thấy, việc này đơn giản chỉ là máy tính giúp tìm (nhanh chóng) các mã cổ phiếu thỏa mãn điều kiện do chính bạn đặt ra. Hãy nghĩ thêm chút chỗ này, rằng có ai đã có công thức, bí quyết gì để luôn biết giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng hay giảm ngày mai không? Nếu chưa có ai, thì có nghĩa là cũng chưa có bộ lọc nào làm được việc đó cả. Chẳng có gì là ghê gớm cả. Bộ lọc thường chỉ là tìm các dấu hiệu đột biến trong giao dịch, mà ở đây thường là sự bùng nổ về giá và khối lượng. Bởi vì người ta thường kỳ vọng sự bùng nổ về khối lượng, về mức giá sẽ báo hiệu thời kỳ tăng giá mạnh của một cổ phiếu nào đó, nhất là sau một thời kỳ dài giao dịch ảm đảm19. Hoặc là thống kê nhanh bao nhiêu mã thỏa mãn các dấu hiệu mua bán của các chỉ báo kỹ thuật quen thuộc, hoặc chỉ để lướt sóng T+ cho đúng nhịp…
Người không cần biết gì về TA, không cần bộ lọc nào, chỉ cần nhìn bảng điện tử quen thuộc sau nhiều năm kinh nghiệm, cũng dễ dàng nhận thấy những dấu hiệu bùng nổ về khối lượng giao dịch và mức giá ở vùng đáy hay vùng đỉnh. Chỉ “lọc” bằng mắt thường và chút nhạy cảm mua bán cũng biết.
Lọc cổ phiếu trong TA giúp bạn tìm kiếm nhanh, nhưng không giúp bạn chọn luôn đúng. Bởi vì việc một cổ phiếu tăng giá trong dài hạn, hay trung hạn đòi hỏi nhiều yếu tố hơn nữa, chứ không phải chỉ thỏa mãn điều kiện lọc cổ phiếu trong một phiên hay vài phiên. Bạn có dám “chơi” ngay một mã lọt vào kết quả tìm kiếm, mà bạn không hề hiểu về mã đó chút nào không? Đừng nói là TA thì chỉ cần biết TA thôi nhé. Có bao nhiêu mã thỏa mãn điều kiện đầu vào để dùng TA mà không hề bị “thao túng”?
Nếu may mắn, bộ lọc có thể giúp bạn kiếm được chút tiền sau T+2,+3, nhưng không có gì hứa hẹn về triển vọng lâu dài, cũng như việc bạn có nắm giữ được nó đi tiếp đến đích hay không. Nhiều khi lọc ra đấy, thấy rồi đấy, nhưng đi hết chu kỳ tăng giá của một cổ phiếu thì luôn cần bạn kiên nhẫn hơn rất nhiều, và chịu đựng được các đợt lên xuống bất thường sau những phiên tăng nóng.
Chỉ cần sau 1 tuần, số cổ phiếu bạn lọc ra mỗi ngày, cộng dồn lại, có thể là vài chục đến hàng trăm cổ phiếu tùy vào các bộ lọc. TA thần thánh, và các tín đồ T+, hãy cố mà mua lướt cho đủ 20 mã mỗi tuần nhé.
Bộ lọc cổ phiếu có ích cho bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm, giúp cho bạn có thể thi thoảng “đánh quả” với cổ phiếu nào đó, đang có dấu hiệu đi vào một chu kỳ tăng mới, hoặc củng cố thêm cơ sở và độ tin cậy để bạn đầu tư, nắm giữ cổ phiếu đã quen thuộc nào đó, khi kết hợp với việc phân tích biểu đồ và các chỉ báo khác.
Trong chu kỳ lên của thị trường, việc lọc cổ phiếu thường đơn giản hơn. Trong khi thị trường điều chỉnh như hiện nay, có lọc, cũng để cho vui, còn phải tham khảo đủ thứ khác nữa mới có thể ra quyết định mua bán được. Đừng ngây thơ tin rằng ai đó có bộ lọc thần thánh để bách chiến bách thắng được ngài thị trường.
Mỗi cổ phiếu có một câu chuyện riêng, một đời sống riêng, và cần một sự hiểu biết sâu sắc vượt lên trên, và ra xa hơn chỉ là một cái biểu đồ giá cả. Cho dù bạn chưa biết, hoặc chưa thực sự hiểu sâu TA, hãy làm việc đơn giản mà bạn có thể, đó là gắn bó lâu dài với mã cổ phiếu mình chọn, để chính bạn sẽ trở thành chuyên gia am hiểu về những cổ phiếu bạn đã lựa chọn.
TA chỉ là một công cụ hỗ trợ đầu tư, nhưng cần khẳng định lại là có ích và nên biết. TA không khó, tìm hiểu từ từ từng bước rồi bạn cũng sẽ sử dụng thành thạo, nhất là với những bạn trẻ thời công nghệ. Tự tin vào bản thân mình, chủ động khai thác thế mạnh, hạn chế điểm yếu của TA, bạn sẽ không còn bị lệ thuộc hay bị “sập bẫy” bởi TA.