Chuyện mua bán cổ phiếu
Đương nhiên, mua được ở đáy hay vùng đáy thì ai chẳng muốn.
Nhưng sao biết được là đáy. Đáy, hay rộng hơn là giá của một cổ phiếu có thể không phụ thuộc nhiều vào VNI, nhưng cũng có thể đồng pha với những xu hướng tăng/giảm mạnh, sớm hơn, hoặc trễ hơn chút, hoặc cùng thời điểm. Còn phải xem xu hướng chủ đạo (xu hướng chính) của thị trường đang là tăng, hay giảm.
Giả sử chỉ là sóng điều chỉnh trong một chu kỳ tăng giá (để xác lập một vùng đáy ngắn hạn), thì tham khảo dưới đây, và dành cho nhỏ lẻ20. Còn như đã vào chu kỳ giảm giá là chủ đạo (xu hướng chính), thì quên luôn đi, tiền mặt là vua.
Nếu biết TA thì dựa vào các ngưỡng hỗ trợ, vào các mốc giá chẵn, giá tại các mức giảm theo Fibonacci thông thường tại các tỷ lệ 38.2%, 50% và 61.8% chẳng hạn…
Quen rồi thì cũng không cần lệ thuộc vào TA lắm, dù vẫn nên tham khảo một số chỉ báo nhanh, kết hợp với chỉ báo chậm để làm cơ sở. Thêm vào đó, cứ cảm giác giảm đủ đủ rồi (không thể tránh khỏi cảm tính trong các quyết định mua bán) thì chia tiền ra, mua vào từng phần, không trúng đáy cũng lợi T+, sẵn hàng vì vùng đáy rồi. Giảm mạnh vài phiên mà cổ ngon, chưa phải thời điểm gì tệ hại lắm, thì cứ làm phát bắt đáy thường có ăn ngay T3.
Nói chung thế, vì còn căn cứ vào có phải hàng đu bám như quân nguyên không, có dính call margin kiểu như PVD đợt vừa qua không, thì phải canh cho chuẩn, đến thời điểm đủ sâu để quét sàn vét lưới thì đua vào ngay và luôn, có kẹp, cũng chỉ kẹp quanh vùng đáy thôi, khỏi lo.
Lưu ý, những người non tay, mua được ở đáy hay vùng đáy, thường chỉ được vài phiên, thậm chí sẵn hàng thì chỉ T0, T1 đã bán non rồi. Thật là đáng tiếc vì nếu giữ lâu lâu, số hàng đó còn cho lãi nhiều hơn, thậm chí nếu giữ đúng sóng, thì lãi đậm. Nhưng do “non gan”, non trình độ, rung lắc chút là sợ, lại tính chuyện an toàn…, nên có mua được ở vùng đáy, vẫn giữ tâm lý sợ hãi vùng đỉnh, hay lo ngại bẫy tăng giá, mà bán non, bán hớ đi món hời.
Những người không mua được vùng đáy, thường canh những phiên giao dịch khối lượng lớn, giá từ chỗ giảm sâu thành tăng mạnh, có khi trần, thì đua theo giá xanh hoặc trần, hoặc trần của trần. Họ canh hàng của những người bắt đáy chốt lời, hay cả chốt lỗ, bán ra. Mua kiểu này giá cao hơn chút, nếu ăn may cổ phiếu đi lên thì lãi, có lúc lãi to hơn người bắt đáy. Còn ko, lại kẹp cao hơn chút, thì hoặc chờ đợi, hoặc cắt lỗ. Nếu kiên trì, rồi cũng có lãi cả thôi.
Những người chơi thường rỉ tai nhau, giá lên thì mua trước bán sau, mua đầu phiên, bán cuối phiên. Là vì đầu phiên thường có xanh nhẹ hoặc đỏ, tranh thủ mua lúc đó, đến giữa hoặc cuối phiên thì giá tăng mạnh, thích thì bán luôn chốt lời, lại có cổ phiếu gối đầu. Cái này cũng an toàn nếu thị trường còn tăng dài dài, và sẵn có tiền mặt cùng cổ phiếu để xoay vòng liên tục. Nhưng không dễ ăn đâu vì cái khó của giới hạn T+. Lợi về giá thì thiệt về tính sẵn có của cổ phiếu trong tài khoản để giữ thế chủ động trong các phiên sau. Khi say máu, lướt liên tục thì lớ ngớ kẹp hàng ở đỉnh vì vướng cái T+ khi hàng chưa kịp về tài khoản, lại phải cắt lỗ hoặc hết lãi.
Khi ở vùng đáy thì giao dịch kém sôi động, khối lượng thấp, tiền ít. Bỗng thấy tiền vào như thác lũ, quét sạch sẽ với khối lượng lớn thì có vẻ yên tâm lập đáy. Nhưng nhiều khi, cổ phiếu tốt mà giá giảm sâu, thì tăng giá trở lại một đoạn rồi mới thấy nó sôi động dần, tiền cứ vào dần và giá đi lên thôi (giống như đun nước vậy).
Trong khi đó, gặp phải mấy con hàng lởm, diễn như thật, khối lượng lớn trao tay vùng đáy giả, sau khi đã giảm rất sâu từ đỉnh. Để rồi lại lao xuống tìm đáy mới, sâu hun hút.
Tiếp chuyện mua bán cổ phiếu
Trước khi mua bán, hãy chọn cổ phiếu cho kỹ đã. Nên tránh xa mấy hàng cờ bạc. Ăn non ngon hơn ăn già.
Hãy bắt đầu bằng việc mua. Có nhiều người hay nói mua thấp bán thấp, mua cao bán cao, giá nào cũng lãi. Không đơn giản như thế, nhưng rõ ràng để có lợi nhuận, ngoài việc được chia cổ tức, thì cần mua thấp, bán cao.
Thế nào là thấp hay cao, giá chỉ là một khái niệm. Vẫn cổ phiếu đó, vẫn doanh nghiệp đó, lúc thị trường lên, 100 vẫn thấy thấp, lúc thị trường xuống, 50 vẫn thấy đắt.
Vậy nên, mua cổ phiếu giá 2, 3 có phải rẻ. Mua 20, 30 đã cao chưa? Tuỳ từng cổ phiếu. Tìm hiểu kỹ, đừng lao đầu vào mấy cổ giá dưới mệnh chỉ vì nghĩ nó rẻ, có thể dễ dàng ăn bằng lần. Dễ thế, thì xã hội sao nhiều người nghèo vậy.
Hãy quy mọi thứ giá ra tỷ lệ %. Mua giá 2 mà nó sàn, cũng chẳng khác mấy giá 20 đâu – nói tương đối nhé. Ngược lại, từ 2 lên đến 4, cũng khó ngang ngửa từ 20 lên 40 thôi. Mà nhiều khi, đắt xắt ra miếng. Tuỳ thời, tuỳ cổ, tuỳ người. Đừng nhầm lẫn với hàng mà khối lượng giao dịch quá thấp, cổ phiếu trôi nổi quá ít, dễ bị thao túng, đẩy giá lên đến đâu cũng được, vì cầu thật có đáng là bao.
Tốt nhất: Mua ở đáy.
Nếu thấy khó, và rủi ro, thì đợi mua ở vùng đáy. Vùng sau đáy khi giá bắt đầu quay lại đảo chiều đi lên thì cảm giác an toàn hơn.
Nếu muốn đỡ rủi ro hơn nữa, đợi khi nào qua đáy, giá tăng mạnh vài phiên (có trần càng tốt, khối lượng đẩy cao vùng ngay sau đáy với thời kỳ tích lũy có thể khá dài), thì cũng tranh mua. Lúc này giá đã tăng khoảng 10-20% so với đáy rồi. Các chỉ báo TA bắt đầu nhạy tín hiệu, nhìn đồ thị bắt đẹp có dấu hiệu đẹp miên man. Đây là thời điểm mà số đông bắt đầu lạc quan và yên tâm mua vào nhiều. Hoặc cẩn thận hơn nữa, đợi sau đó giá điều chỉnh giảm chút để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ, thì nhảy vào ăn theo một đoạn, vì theo quán tính, một cổ đã chạy thì nó sẽ chạy thêm đoạn nữa.
Nhiều người thích ví von mua thời điểm này là bắt đầu vào phần thân, giai đoạn tăng mạnh21. Chỉ cần ăn phần ngon nhất, nhường phần đầu xương xẩu khó nhai cho người khác. Thế nhưng nhiều khi phần đầu mới là phần ngon nhất, vì thực tế có thể khác xa lý thuyết, cũng không hề tồn tại một ranh giới nào rõ ràng hay đương nhiên giữa các phần, và cái bẫy lại hay sập xuống ngay khi tưởng dễ ăn. Vì khi đám đông đều nhìn thấy, TA báo mua, thì bạn bắt đầu phải cẩn trọng hơn. Thêm vào đó, nếu đã có hàng ngay từ giai đoạn đầu, giá có thể đã tăng 10%, 20%, thậm chí 30% từ đáy, thì với lợi thế đó, cớ gì không thể chủ động giữ tiếp đến hết sóng lớn (nếu có). Khi bạn mua được ở vùng giá đáy và giữ lâu lâu, giá càng đi lên cao thì tỷ lệ tăng lợi nhuận so với giá vốn càng nhanh. Bằng không, vẫn có thể lãi khá vì “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, phần thưởng nhiều khi không thuộc về số đông.
Tương tự, một cổ trên đà giảm mạnh, thường thì nó sẽ còn giảm nữa theo quán tính. Cũng vì tâm lý đám đông, ai cũng muốn thắng người khác, nên âm thầm tranh bán, tranh mua, rồi lại chốt lãi, chốt lỗ, nên quá trình tăng giảm cứ phải giật giật vài cái trước khi dừng lại và đảo chiều thực sự.
Quay lại chuyện mua, nếu muốn tự làm khó mình hơn nữa, hãy đợi giá tăng thật mạnh, khối lượng thật lớn, trần liên miên càng tốt, vượt đỉnh cũ càng tốt, thấy tiền vào ầm ầm, khối lượng giao dịch thật lớn, thì đua lệnh. Mua cao bán cao hơn là đây. Đa số gà mới rất thích món này, vì thị trường nóng hừng hực như nồi nước sôi. Lúc lạc quan nhất lại là lúc rủi ro nhất. Thường mua đúng đỉnh – xin chúc mừng bạn vì đã mua được khôn.
Lưu ý, một cổ phiếu mà trước đó đã được đa số đánh giá là tốt. Thực sự mọi thứ với doanh nghiệp vẫn đang tốt, cơ bản tốt, ngành nghề tốt, thị phần tốt, lợi nhuận tốt… mà bị điều chỉnh mạnh theo thị trường chung, thì đó là cơ hội để mua vào. Có mua sớm chút, kẹp hàng giá cao chút, đó vẫn là kẹp sung sướng thôi.
Khách quan mà nói, quyết định mua mà tham khảo TA được thì hay. Chỉ cần mấy chỉ báo chung phổ biến, nhìn đường MACD, mấy cái RSI, MFI, Stochastics loằng ngoằng, thấy mấy chỉ báo ấy hội tụ, đều cho những dấu hiệu ở vùng đáy, nếu thêm đường giá cổ phiếu nào đang thiết lập mô hình tăng giá, lại có mấy cây nến đảo chiều điển hình, khối lượng tăng, thì cứ yên tâm mà mua. Nhiều người hay nói quan trọng là cách đi tiền. Nghe có vẻ bí hiểm. Chỉ là mua làm nhiều lần, theo tỷ lệ nào đó mình thấy phù hợp thôi, và hoặc là trung bình giá lên, hoặc trung bình giá xuống. Mua sao để thấy yên tâm, có thể phòng ngừa rủi ro biến động giá, và nhớ đừng mua hết sạch tiền là được.
Mua sớm thì đợi lâu, nhưng vẫn có thể ăn dầy dù có rủi ro hơn chút, vì đôi khi, biến số bất định làm cho đường giá còn giảm thêm một đoạn. Khi đã tin tưởng, thì đây lại là lúc nên trung bình giá xuống nếu giá giảm thêm. Đây là chuyện hết sức bình thường ở vùng đáy. Rủi ro, có thể lại cho lợi nhuận lớn. Đừng nghe mấy chiên da học mót nói không nên bình quân giá xuống lúc đó, mà có thể lại phí mất một cơ hội tốt.
Mua khi mọi thứ đã rõ ràng, dấu hiệu tăng giá ai cũng nhìn thấy, thì đó là cách mang lại cảm giác an toàn hơn. Nhiều người (nhất là môi giới) sẽ nói với bạn rằng việc mua đúng điểm mua này sẽ giúp không phải chờ đợi lâu trong thời gian cổ phiếu tích lũy, chỉ mua vào khi giá bắt đầu tăng thì sẽ giúp quay vòng vốn nhanh, có nhiều hơn cơ hội tối đa hóa lợi nhuận, sử dụng vốn hiệu quả. Nghe thật dễ dàng. Nếu lấy đồ thị một vài cổ phiếu ra để “khoác lác” hay “vuốt đuôi” thì tưởng như quá đúng, quá thuyết phục. Cứ mua cổ phiếu này, giá tăng ngay; ăn xong lại mua cổ phiếu khác; giá lại tăng, lại ăn ngay. Thị trường không đơn giản như vậy. Thông thường, một cổ phiếu khi vào xu hướng tăng thì cũng luôn có những phiên điều chỉnh, sóng tăng dài thì sóng điều chỉnh cũng dài và có thể bất ngờ. Cách tăng điểm của các cổ phiếu cũng khác nhau, nhưng để lên vững thì giá thường điều chỉnh kiểu “đổ móng” liên tục trên quãng đường đi lên. Cứ theo cặp đôi hoàn hảo TA và T+, thì bạn sẽ mua bán liên tục và chốt lãi, cắt lỗ liên tục22. Tính bù trừ lãi lỗ và chi phí giao dịch, thì tài khoản có lãi cũng không đáng là bao. Xu hướng lên thì các cổ phiếu tốt cũng thường cùng nhịp đi lên. Đừng nghĩ đơn giản cổ phiếu cứ lần lượt xếp hàng đợi tăng giá để cho bạn ăn xong cổ phiếu này rồi lại ăn sang cổ phiếu khác như ăn lẩu băng chuyền. Và như đã nói, tùy cổ phiếu, nếu đã là hàng rác, đừng đánh cược với TA kẻo mất cả chì lẫn chài.
Tuỳ bạn, khi “thực chiến”, lái cuốc gia thường không chơi theo số đông. Không đua mua xanh, không tranh bán đỏ. Dễ bán thì bán, dễ mua thì mua. Cứ giữ đúng nguyên tắc, nhưng biết vận dụng cho linh hoạt, tùy biến tùy thời. Đã trong xu hướng lên thì ưu tiên nắm giữ chứ đừng nhảy nhót nhiều, trứng khôn hơn vịt mà đánh mất cơ hội. Hiểu TA là để biết số đông sẽ hành động theo TA ra sao, để mình “liệu cơm gắp mắm”, chứ không phải cũng chạy theo đám đông.
Vài lần vấp ngã là biết điểm mạnh yếu của bản thân. Hãy thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho mình, đừng cảm tính quá. Những người nói không cần theo phương pháp, nguyên tắc đầu tư nào hết, chỉ cần nhìn bảng điện hàng ngày thôi cũng ra quyết định chuẩn được, thì hoặc là rất siêu, hoặc là rất điêu. Dòng tiền vào ra nhất thời trên bảng điện ko nói lên nhiều điều trong ngắn hạn, và thường làm cho cho những con gà hưng phấn đu đỉnh.
Nói gì thì nói, vẫn nên tham khảo TA, kết hợp với kinh nghiệm, sẽ giúp cho bảng điện “tử tế” hơn.
Bán khó hơn mua
Những “con gà” mới đi kiếm mồi, nghĩ đang có sẵn tiền trong tài khoản, thích mua là mua, bất kể thời điểm: Chăm chăm mua ngay, mua bằng mọi giá, mua lấy được, mua vì sợ người khác mua mất, mua tranh lấy phần, mua ở đỉnh cũng mua…
Có người nói mua là khó hơn bán, phải cân nhắc điểm mua rất cẩn trọng, khó khăn… vì khi mua đã quyết định sẽ lãi hay lỗ ngay rồi. Tùy, cũng chỉ là tranh luận cho sang mồm. Đồng ý là khó khi cân nhắc chọn thời điểm tốt để mua cổ phiếu tốt. Nhất là tìm mua những cổ phiếu có giá cả thấp hơn giá trị, như những lời khuyên khuôn mẫu. Nhưng đó là vấn đề chọn cổ phiếu.
Còn với đa số, không phải lúc nào bạn cũng có thể lựa chọn hay chờ đợi thời điểm mua được mức giá thấp nhất mà bạn muốn. Khi thị trường giá lên mà bạn chê đắt, thì cứ đợi dài cổ vài tháng, thậm chí vài năm giá cổ phiếu cũng không quay lại cái thời khủng hoảng, suy thoái kinh tế được, kể cả lúc thị trường đã điều chỉnh. Giá chỉ là một khái niệm, đừng bảo thủ mang giá đáy này so sánh với giá đáy kia, đỉnh cũ với đỉnh mới… để nói chuyện đắt rẻ. Khi đã muốn mua, lăn tăn vài mức giá là có thể mất cơ hội, và lại tiếc dài dài sau đó. Còn nếu nhảy ngay vào đỉnh, thì mua xong có thể không bao giờ có lãi. Nhưng đó là chuyện của những con gà.
Trong khi đó, bán cổ phiếu, nhất là bán cắt lỗ, thì quả là khó.
Bạn sẽ thấy rằng, nhiều khi đã mua được cổ phiếu tốt rồi, có lãi khá rồi, mà lúc cần bán, nên bán thì bạn lại không biết bán, không dám bán, không muốn bán, không thèm bán, và rồi bán đúng đáy.
Bán khi nào là quyết định không hề đơn giản, ngay cả với người giỏi TA, có nhiều năm kinh nghiệm, cũng vẫn có thể sai lầm mà thôi23.
Đương nhiên, ai cũng muốn bán đúng đỉnh, bán đúng giá cao nhất.
“Chiên da” thường hay nói, đợi đi qua đỉnh, giảm 5-7% rồi bán là chuẩn nhất. Nhưng biết khi nào thì nó đi qua đỉnh đây. Nhỡ chỉ là điều chỉnh, rồi lại tăng thì sao, bán vội là mất hàng giá thấp à. Nhiều khi đỉnh còn chẳng biết, làm sao biết qua đỉnh hay chỉ điều chỉnh. Mà khi đi qua đỉnh thật, ở xứ ta, thường thì trắng bên mua 3 phiên chứ giảm 7-10% đã nhằm nhò gì. Mua đúng đỉnh mà đợi hàng về thì còn khổ nữa.
Nên khuyên chuẩn nhất phải thế này: Bán đúng đỉnh (nói cho vui, ăn may).
Nếu không bán được đúng đỉnh, thì bán vùng đỉnh, khi thấy các dấu hiệu tạo đỉnh. Qua đỉnh, hãy đợi phiên hồi đầu tiên. Nếu chỉ là đỉnh giả thì cũng đành chấp nhận, đổi lấy sự an toàn.
Nếu không bán được vùng đỉnh, thì canh những phiên hồi sau đó nữa để mà bán được giá cao hơn chút so với những phiên giảm trước đó.
Nếu không được, thì bán bất cứ giá nào khi chưa thấy dấu hiệu tạo đáy.
Nếu không được nữa, thì tính chuyện mua là vừa.
Lưu ý là, nếu như bạn đã mua được hàng vùng đáy trước đó, và giữ được hàng qua những con sóng nhỏ. Trong quá trình đi lên của thị trường, hãy chia nhỏ số cổ phiếu đang có và thực hiện những lần chủ động bán thu hồi vốn và hiện thực hóa lợi nhuận từng phần, nhất là vào những thời điểm bạn cảm thấy nghi ngờ về khả năng tăng tiếp của thị trường. Tỷ lệ tùy bạn thấy sao cho hợp lý. Sau khi bán một phần cổ phiếu, có thể giá vẫn tăng (bạn đã dự liệu trước khả năng này) thì cũng đừng tiếc nuối, hãy coi đó khoản tiền lẽ ra có thêm đó, là mua bảo hiểm cho tài khoản. Đừng quá tham phải bán đúng đỉnh tất cả số cổ phiếu bạn có, vì có thể có những thông tin bất ngờ gây giảm giá chung, hoặc đối với riêng cổ phiếu đó. Sẽ có lúc bạn thấy tiếc nuối vì không chốt lãi sớm để hiện thực hóa lợi nhuận. Chỉ chậm một phiên hay một vài phút, cơ hội bán sẽ đi qua và lãi ảo đúng chỉ là lãi ảo. Vì thế, chủ động đưa tài khoản về ngưỡng an toàn, cân đối giữa tiền mặt và cổ phiếu, lại trong khi bạn có lãi thật, là điều nên làm để quản trị rủi ro. Phần cổ phiếu còn lại, kiên nhẫn chờ cho hết con sóng lớn. Và cố mà bán được đúng đỉnh ít nhất một lần.
Quỹ ETF cơ cấu danh mục
Nhiều bạn mới chơi sẽ bỡ ngỡ với những ngày giao dịch, thường vào giữa hay cuối các tháng 3-6-9-12 (vào ngày thứ sáu), mà giao dịch phiên ATC tăng đột biến, số lượng bán ra hay mua vào một số cổ phiếu có thể lên đến vài triệu/chục triệu trong chốc lát. Giá biến động sàn lên trần hoặc ngược lại, hoặc cân bằng, đầy cảm xúc.
Khi VNI còn ở ngưỡng thấp, vốn hóa đa phần nhỏ, thì các quỹ ETF cứ làm mưa làm gió cuối mỗi quý. Gây ra hiệu ứng tâm lý lo sợ/e ngại bao trùm toàn thị trường trong khoảng nửa tháng.
Nhưng người xứ ta, chẳng mấy mà thể hiện sự thích ứng đầy khôn (lỏi). Không chỉ vặt gà, các “đội lái” còn muốn vặt luôn cả quỹ ngoại. Và xuất hiện một xu hướng “lái” cổ phiếu vào/ra khỏi quỹ24.
Một số điều kiện tối thiểu để một cổ phiếu được xét vào quỹ, là cần có số lượng cổ phiếu lưu hành cỡ khoảng > 100 triệu, vốn hóa cần khoảng
> 3000 tỷ, giao dịch trung bình trong quý cũng phải đảm bảo đủ nhiều… (những điều kiện cụ thể của từng quỹ thì các bạn tự tìm hiểu nhé, các quỹ có điều kiện khác nhau).
HBC từng chỉ có hơn trăm triệu cổ phiếu vẫn vào quỹ, vì thị giá cao làm cho vốn hóa đủ lớn.
Hiện nay thì phải loanh quanh trên dưới 300 triệu (số lượng ít hơn thì giá cổ phiếu phải cao hơn), vốn hóa 5-7000 tỷ trở lên là ít25. Khi mà nhiều ông bà lớn như: ROS, PLX, VJC, VRE… lên sàn thì cuộc chơi đã thay đổi chóng mặt. NVL được mua khi chưa thỏa mãn điều kiện thời gian là ví dụ bất ngờ mà các công ty chứng khoán trong nước dự báo trước ETF bị ngã ngửa. Về sau là những cổ phiếu vốn hóa lớn, ngoại lệ như VRE, VHM cũng được mua vào, dù chỉ mới lên sàn trong thời gian ngắn. Ngoài ra, có vẻ như các quỹ ETF đã có thêm những tiêu chí định tính nào đó.
Một khi một cổ phiếu được “nhắm” sẽ chơi theo quỹ ETF, nó sẽ giao dịch với khối lượng trung bình ngày/tháng/quý tương đối lớn. Đều đặn như “quay tay”. Nếu muốn thử chơi hàng ETF, hãy quan sát khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên, để lọc từ dấu hiệu ban đầu này.
Một số cổ phiếu vốn có thị giá nhỏ, nhưng được nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng bứt phá trong tương lai, sau khi được nhắm, thì sẽ “ngẫu nhiên” có đợt bứt phá tăng giá mạnh (GTN, DXG, HBC, TCH, CII…), và thậm chí là kết hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm để tăng vốn, làm tăng vốn hóa cho đủ/thừa tiêu chuẩn. Dĩ nhiên là ở mức hợp lý, cao quá thì ngã đau (như GTN, HBC…).
Trước đây, biến động giá trong những cuộc đua nước rút sắp đến kỳ chốt sổ thì giá thường tăng nhiều phiên, biên độ biến động mỗi phiên thường rộng, đủ để loại bớt đu bám T+, và thường được kéo lên vào cuối phiên ATC. Muốn vậy, trước đó, hàng phải được gom mạnh vùng giá thấp về “một mối”, sau đó mới đến lộ trình lên giá để thỏa mãn điều kiện vốn hóa, quỹ ETF có thể xem xét mua vào trong kỳ cơ cấu.
Nếu rủi ro quỹ không mua, thì khi thông tin tốt về doanh nghiệp liên tục bung ra, nhiều nhà đầu tư mới có thể bị hút vào và sẽ thấy giao dịch lớn ở vùng đỉnh để dòng tiền lớn thoát ra dần…
Nhỏ lẻ muốn chơi những cổ phiếu này đòi hỏi phải có sự nhạy bén. Gần đây, các cổ phiếu được vào quỹ ETF cũng có những kiểu giao dịch khó bị bắt bài hơn. Và có cả hiện tượng “giả vờ” đua theo ETF, nhưng kỳ thực chỉ để phân phối được hàng giá cao.
Trước đây, thường là sau phiên công bố thông tin vào quỹ, giá mới tăng mạnh. Còn bây giờ, không khéo, thì từng cái bẫy đã được bày sẵn. Thông tin được quỹ mua vào bung ra thì giá lại giảm triền miên. Vào quỹ hay không vào quỹ, thì mức độ chơi cũng khốc liệt lắm, không hẳn ngọt ngào.
Vì thế, nếu muốn đua lệnh, ít nhất hãy có đủ T3 để sẵn sàng nhảy tàu. Khôn ra, phải phát hiện cổ phiếu đó từ sớm, lẳng lặng mà đu theo những đợt tăng giá dần lên thì an toàn hơn.
Lợi nhuận lớn, thì rủi ro cao. Và cảm xúc thì luôn mạnh mẽ dù thắng hay thua cho đến tận cuối phiên ATC, dù chỉ còn mang tính “trình diễn” và hợp thức hóa mỗi kỳ ETF cơ cấu.
Học từ những sai lầm, thất bại
Chơi chứng mà bảo chưa bao giờ lỗ, là nói phét. Hoặc ăn may, vừa mới vào thị trường chưa qua nổi một con sóng lớn.
Nói thì dễ mà làm thì khó. Hẳn nhiều bạn sẽ thấy rơi vào tình trạng, cứ mua cổ phiếu nào là giảm, vừa bán đi thì nó lại tăng, thậm chí vừa bán xong thì cổ phiếu tăng trần. Đau lắm.
Mua sang cổ phiếu khác tưởng ngon ăn, lại đúng lúc nó điều chỉnh. Hàng chưa về tài khoản đã lỗ, trong khi hàng cũ đã lỡ bán rồi thì giá lại tăng ầm ầm, sẽ cho lãi cao – nếu giữ lại. Thế là thiệt đơn thiệt kép. Thị trường tăng cả trăm điểm, tài khoản lỗ cả chục %. Các bạn đã bị say sóng, và không hiểu cơ chế vận động chung của thị trường, của mỗi cổ phiếu, và tham.
Để điều chỉnh/khắc phục/sửa sai thì nên nghiên cứu chút về TA, đủ để nhìn mấy đường cơ bản, kiểu như học chút võ căn bản để tự vệ. Hoặc, thuê vệ sĩ (môi giới, ủy thác, quỹ đầu tư…). Nhưng mà, hãy chọn lựa, vì nhiều bạn môi giới ở các công ty chứng khoán chưa chắc đã khá hơn các bạn. Cho nên bạn cần tự tin vào chính mình trước đã, và, tránh hai sai lầm dưới đây:
Thứ nhất: Chọn sai cổ phiếu, như cổ bị làm giá tiêu cực, cổ lởm, thiếu minh bạch, cổ giấy, cổ cờ bạc… có thời. Từ 2017 đến giờ, chắc nhiều bạn quá quen với việc lái cuốc gia khản cổ bảo bà con tránh xa hàng cờ bạc, vì đơn giản, thời của nó sắp qua rồi.
Giờ đã và đang là thời của cổ phiếu vốn hóa lớn, hàng chất lượng cao, hàng thoái vốn, những cổ phiếu ưa thích của dòng tiền ngoại…
Nếu chọn sai, tỉnh ra, cần nhanh chóng rút vốn, cắt lỗ, chuyển sang hàng chất lượng cao, hoặc ít ra cũng là nhóm ngành hot như ngân hàng, bất động sản hiện nay… Hàng giá thấp ko hẳn là hàng lởm, cần phân biệt. Nhiều cổ phiếu giá thấp này mà điên lên, thì ăn bằng lần trong tuần. Nhưng còn lởm thật thì tiền thật không vào, đợi chờ càng lâu, càng mất dần cơ hội. Đã chọn sai cổ phiếu, thì đừng nói chuyện kiên nhẫn, mà là bảo thủ.
Thứ hai: Hàng tốt, nhưng sai thời điểm. Đau nhất, là nhảy vào hàng tốt, nhưng đúng đỉnh, thì cũng khác gì “cờ bạc”.
Cổ phiếu tốt nhưng cũng cần tích lũy đủ. Lượng đổi chất đổi. Đúng đấy. Vào sai thời điểm – quá muộn hoặc quá sớm. Mua đúng đỉnh thì dễ thấy rồi, nếu không cắt lỗ kịp thời thì hậu quả nhìn thấy rõ. Cái gọi là đầu tư dài hạn lúc này là rất vô duyên. Mua quá sớm thì có thể lỗ ngắn hạn khi giá tiếp tục giảm, và đợi lâu, nhưng nếu kiên trì thì vẫn lãi. Tuy nhiên, với nhiều người thì thấy tốn thời gian và sợ mất cơ hội với cổ phiếu khác. Họ có xu hướng quay sang mua cổ phiếu khác đang tăng giá để kiếm lời ngay, tăng vòng quay của tiền, và nghĩ sẽ quay lại sau, lúc cổ phiếu rục rịch tăng giá. Đâu có dễ vậy.
VIC cả năm không nhúc nhích, nhưng nó không phải hàng lởm. Ai kiên trì, vẫn cho lãi khi nó tăng mạnh hàng 100%. Nếu kiên định, chẳng phải lướt lát gì, bỏ đó đi chém gió vẫn lãi to đến giờ.
PLX lên sàn bị hắt hủi. Ai mua lúc đó cũng có khi đau đầu. Đến giờ, ai còn nắm giữ đã lãi gấp đôi.
BID khi được ETF mua nhầm rồi bán ra, giá rẻ như bèo tấm. Ai cầm lúc đó hoảng loạn. Đến giờ, cũng chỉ sau hơn 1 năm, ăn bằng mấy những người lao đầu vào hàng rác.
HVN, CTG, VCB… hàng Việt Nam chất lượng cao, đều đã có những lúc người mua cảm thấy chọn sai thời điểm vì nó chưa chạy, đang tích lũy. Nhưng kiên trì thì rồi cũng lãi to.
Trên thực tế, có mấy ai đợi được đến đúng thời điểm giá bắt đầu tăng mới vào mua đâu. Thường khi mọi chuyện rõ ràng, thì giá đã tăng được một đoạn, lại đau đầu sợ bị úp bô. Và vì tâm lý quen lướt sóng ngắn, có mua rồi cũng chẳng ăn được mấy, so với việc mua từ đáy và nắm giữ đến khi đạt mục tiêu chốt lãi vùng đỉnh thì thôi. Không hề đơn giản đâu. Giữ được cổ phiếu qua các phiên rung lắc chóng mặt là cả một vấn đề khó khăn. Các bạn hãy tích lũy kinh nghiệm và sớm rút ra bài học cho mình từ những thất bại. Trong chứng khoán, kinh nghiệm được mua bằng rất nhiều tiền.
Lưu ý, chọn hàng tốt, đúng thời điểm, nhưng không đủ kiên nhẫn, nôn nóng bán sớm ngay khi giá mới chớm tăng, rồi không dám quay lại, trong khi cổ phiếu còn tăng trưởng dài – cũng là một cái “nhục”.
Vì thế, hãy luyện tập cho mình phải có niềm tin dài hạn. Khi đã chọn được cổ phiếu tốt, hội đủ các yếu tố dòng tiền thông minh, tâm lý thị trường, hỗ trợ FA, TA thì hãy theo trọn sóng lớn. Không nên ham lợi nhỏ, lướt sóng ngắn. Giá cổ phiếu vừa mới tăng từ đáy đã vội vàng chốt lời. Trong quá trình đi lên, thường thì ngắn hạn sẽ có nhiều rung lắc trong phiên, hay sau vài phiên tăng điểm, làm cho những người mua được ở đáy lo sợ vội bán ra, và không còn hàng khi cổ phiếu tiếp tục tăng cao.
Luôn có sẵn tiền trong tài khoản
Mấy phiên giảm sâu trước Tết, hoặc phiên ngày hôm qua26, bỗng nhiên những cổ phiếu “ngon”, giá đang cao ngất ngưởng, chuyển sang giảm sâu, giảm sàn la liệt. Hiệu ứng “dìm nhau xuống đáy bùn” do những tin tức xấu trong nước hoặc quốc tế, dẫn đến tâm lý hoảng loạn và ban đầu là bán tháo mạnh ở những mã đu bám đòn bẩy nhiều. Một số cổ phiếu khác thì giảm chậm hơn, nhưng sẽ trở nên đắt tương đối so với những cổ phiếu đã, đang giảm sàn. Nhiều người vì thế sẽ bán ra mạnh để mua hoặc đỡ giá những cổ phiếu đã giảm sàn, hoặc để tránh bị giải chấp. Rồi sau cùng thì tạo thành vòng xoáy dẫn tới đa số đều tìm đến mức giá sàn.
Mới chỉ hôm trước còn mong có giá thấp hơn chút để mua vào, thậm chí đua xanh, chấp nhận giá cao để mua. Nhưng khi nhìn thấy giá sàn, mức giá mà nếu bình thường, sẽ là “quá hợp lý”, “quá hấp dẫn” để mua vào… thì lại không dám mua, hoặc không còn tiền để mua nữa. Đến khi biết rằng cơ hội đã đi qua, tiếc.
Hầu như năm nào cũng thế, luôn có những sự kiện bất ngờ, ngoài tầm suy đoán của đa số những cái đầu T+ cũng như các chiên da TA, làm VNI và toàn sàn đỏ lửa, hay nhiều lần điều chỉnh giảm rất sâu sau đợt tăng dài tưởng chưa thấy đỉnh đâu. Đó không phải lúc tranh bán, mà ngược lại, nên cân nhắc theo dõi, chọn cổ phiếu tốt để mua vào đúng thời điểm. Vì kinh nghiệm cho thấy, thường sau đó là quả ngọt.
Nhiều lần đã nhắc các bạn mới chơi, đừng vội theo những người thường hay khoe “full” cổ, “all in”, 100% cổ, 200% cổ… Nhiều người thua lỗ không phải do kém TA, không phải do trình độ hay kiến thức kém, không phải do không biết xu hướng thị trường… mà do không trở tay kịp với những sự kiện bất ngờ, hoảng loạn tâm lý, bán tháo cổ phiếu đúng đáy hay bị giải chấp.
Muốn tồn tại lâu dài trên thị trường, điều đơn giản là luôn phải có một tỷ lệ hợp lý tiền mặt trong tài khoản27, dù tài khoản to hay nhỏ.
Điều đó giúp các bạn chủ động, linh hoạt hơn trong việc ra quyết định mua bán, giúp thực hành việc chế ngự lòng tham, tránh tâm lý luôn phải có cổ phiếu trong tài khoản mới là nhà đầu tư chứng khoán… Nhiều bạn hay có tâm lý muốn cướp tiền thiên hạ, lúc nào tài khoản cũng phải đầy cổ phiếu, cũng chỉ muốn giá tăng. Hôm nay tăng thì cười, mai giảm thì mếu máo… Và thường là lỗ.
Giữ được tiền trong chu kỳ giảm giá, hay khi gặp phiên điều chỉnh sâu do sự biến bất ngờ thì có sẵn tiền để chờ mua vào… thì cũng mang lại cơ hội không khác gì việc bạn có sẵn nhiều cổ phiếu trong chu kỳ tăng giá cả. Vấn đề chỉ là, với cùng một số tiền, bạn mua được bao nhiêu cổ phiếu, hay với một số lượng cổ phiếu nhất định, bạn phải trả bao nhiêu tiền.
Chỉ sử dụng khoản tiền này khi có các cơ hội rõ ràng như bất ngờ điều chỉnh giảm sâu một vài phiên, hoặc cơ hội tăng giá với độ chắc chắn cao thì mua lướt sóng rồi phải bán ra chốt lời ngay, để tiếp tục duy trì lượng tiền mặt này theo đúng nguyên tắc.
Trong một thị trường có nhiều yếu tố bất định, trong những giai đoạn tranh tối tranh sáng, bạn không thể chắc chắn 100% điều gì; có tiền mặt thì sẽ không bị nao núng, giúp giảm thiểu rủi ro và chủ động nắm bắt được cơ hội khi xuất hiện…
Lỡ kẹp hàng từ đỉnh đến đáy
Nếu bạn mua mới, và mua được cổ phiếu vùng đáy, hay ngay đáy thì quá tốt. Dưới đây chỉ nói kỹ hơn về trường hợp nhà đầu tư đã bảo thủ/sai lầm (tưởng như kiên trì) khi giữ cổ phiếu giảm (không bán cắt lỗ) về đến tận vùng đáy (thường là đáy ngắn hạn hoặc trung hạn), lập đáy và bắt đầu đi lên.
Trước tiên cần khẳng định, bán cắt lỗ là một việc rất khó, nhưng cần phải làm để có thể tồn tại lâu dài trên thị trường.
Mặc dù vậy, không ít bạn đã, đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực từ những lời tư vấn đầy sách vở và thiếu kinh nghiệm thực tế, rằng cổ phiếu mua về nếu giảm 3-5% là phải cân nhắc cắt lỗ, 7-10% là cắt lỗ ngay lập tức, rằng cắt lỗ không bao giờ sai, cắt lỗ lấy tiền về vì còn tiền là còn cơ hội… Và cứ máy móc, rập khuôn như thế, bạn rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn, cắt lỗ, mua vào, cắt lỗ…
Cắt lỗ càng sớm càng tốt – là những kinh nghiệm đúc kết từ một thị trường đã có bề dày phát triển, đã đạt đến trình độ “thị trường cao cấp…”, không phải lúc nào cũng hợp lý ở “cái chợ” này, khi vẫn đang bị giới hạn bởi T+. Thế nên, nếu không phân tích kỹ hơn và am hiểu nhiều về cổ phiếu, bạn thường có xu hướng cắt lỗ đúng đáy, hoặc khi hàng về bán ra đúng ngưỡng cắt lỗ xong thì giá lại tăng, như thể chỉ chờ cho bạn bán cắt lỗ thì giá sẽ được đẩy lên cao. Bạn sẽ hình thành tâm lý chỉ muốn mua vào là cổ phiếu tăng giá và có lãi, sẽ hoảng sợ /hoang mang khi mua về mà giá giảm, rồi quay ra sợ cắt lỗ (lại nhầm lẫn).
Cắt lỗ không sai, khi mà bạn mắc sai lầm trong việc chọn mua một cổ phiếu mà bạn không hiểu sâu về nó, bạn không có được những dữ liệu đánh giá chính xác, khách quan, bạn mua chỉ vì tin đồn, thị trường có những dấu hiệu biến động tiêu cực kéo dài… Nếu thực sự đã sai, hãy bán không hối tiếc, và rút ra bài học mua khôn.
Nếu đã chọn đúng cổ phiếu, hãy nhớ mặt tích cực của việc cắt lỗ sớm, là để hạn chế rủi ro, và còn là để sẽ quay lại, mua lại cổ phiếu đó khi giá đã về vùng hợp lý. Nhưng phải tránh bán bừa trong những phiên chỉ là nhịp chỉnh thông thường theo tâm lý T+ và lướt sóng ngắn. Bán cổ phiếu cần có lý do, phải xem xét xu hướng thị trường, phân tích các thông tin liên quan đến doanh nghiệp… Không nên gọi là “cắt lỗ” trong những phiên điều chỉnh lành mạnh của một xu hướng tăng, hoặc trong vùng giá tích lũy chờ bứt phá…
Còn nếu bạn đã lỡ giữ đến đáy không bán, sau khi mua đúng vùng đỉnh và khi mới đi qua đỉnh, thì cần có những chuỗi hành động đúng tiếp sau để đi đến đích.
Lúc này, các bạn cần phải coi như/giả vờ là chính các bạn đã mua được số cổ phiếu đó ở đáy. Điều này có lý của nó. Không nên bị ám ảnh/lo sợ là các bạn đang lỗ (có thể rất nhiều, trên giấy) với số cổ phiếu này, và luôn chỉ mong chờ đến khi hoà vốn để thoát ra. Giữ suy nghĩ đó trong đầu, gần như ít khi bạn có thể nắm giữ dài hạn một cổ phiếu. Bạn chỉ luôn ở tâm thế canh bán, hễ có biến động nhỏ, các bạn đã nhanh tay đặt lệnh bán. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Bạn có thể bán đúng đáy, hoặc ngay khi vừa lập đáy, chính thức biến khoản “lỗ ảo” thành lỗ thật.
Hãy coi số phiếu có sẵn/kẹp trong tài khoản là mua được từ đáy. Các bạn sẽ lấy giá từ đáy làm cơ sở để tính toán giá bán ra, kỳ vọng giá sẽ đạt được, đồng thời dựa vào phân tích kỹ thuật để quyết định thời điểm bán hợp lý với nghĩa chốt lời theo từng đợt sóng. Khi giữ cổ phiếu giảm đến vùng đáy và đi lên, nhiều người thường có tâm lý ít nhất phải đợi bằng giá mình mua vào rồi mới xem xét bán ra, hoặc sẽ tiếp tục giữ thêm với kỳ vọng giá còn tăng thêm nữa để không chỉ hòa vốn, mà còn có lãi.
Không nên máy móc cố chờ về giá mua cũ mới bán. Vì giá mua của bạn có thể cao. Để quay trở lại được vùng đỉnh cũ không hề nhanh chóng. Trong khi với những người mua được từ đáy thực sự, họ thường có tâm lý chốt lời T+, hoặc khi đã đạt kỳ vọng 5-10% lãi.
Giá có khi vượt mức mua ban đầu của bạn (bạn rất may mắn), hoặc sẽ chỉ tăng đến mức độ nào đó thấp hơn và lại giảm trở lại, trước khi thực sự có những phiên rũ bỏ và giao dịch đột biến để đi lên. Làm sao biết được, cần tích lũy kinh nghiệm tiếp thôi. Chỉ khi nào cơ hội vượt đỉnh rõ ràng nhất, các yếu tố thuận lợi cùng xuất hiện, các chỉ báo phân tích kỹ thuật đều cho thấy khả năng vượt đỉnh giá cũ, thì khi đó, không phải lúc bán, mà nên giữ và mua thêm nếu còn tiền.
Nếu bạn ko cần quan tâm đến việc chốt lời ngắn hạn và chờ mua lại để giảm giá vốn, mà bạn chỉ cần giữ dài hạn và kỳ vọng cao hơn nữa, thì chỉ cần tham khảo cho vui.