Phương pháp đầu tư
Các bạn không nên tuyệt đối hóa một phương pháp đầu tư nào28, hãy linh hoạt vì giá cổ phiếu biến động từng phút.
Nhưng, ít nhất là với cái chợ xứ ta hiện nay29, thì không nên mua bán từng phút, từng ngày, mà hãy quan sát để nắm được xu hướng biến động chính của giá trong từng giai đoạn (sóng), nên nhìn trung hạn, và đương nhiên, dài hạn với bức tranh tổng thể về thị trường, để mua bán (không phải thường xuyên hàng ngày) hợp lý và hiệu quả. Cần mua thì mua, phải bán thì bán, nên rút (khỏi thị trường) là rút30.
Để chọn lựa được trong hàng nghìn mã, lấy ra khoảng 10 mã ưa thích, nhặt lấy 3-5 mã đưa vào danh mục thường xuyên, và luân phiên, trong đó có 2-3 mã dài hạn, quả là không hề đơn giản.
Có nhiều bạn, thấy nay hỏi mã này mua được không, mai kia lại hỏi nên vào mã khác không, cứ vài hôm lại thấy có mã mới mà không nhắc gì về mã cũ nữa. Hoặc là nói đang giữ một mã nhưng giảm giá nên chán nản, có nên bán để mua mã khác không. Chắc là dân quen lướt sóng ngắn ngày.
Có thể chỉ cần nhìn đồ thị, trả lời các bạn dựa trên các dấu hiệu chỉ báo kỹ thuật, chém gió đúng ngay 51% là ít, về 1 mã ngẫu nhiên nào đó trong 1, 2 ngày hoặc xa hơn chút. Nhưng nói thật, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng khi hàng về tài khoản là lãi chứ chưa nói lãi nhiều, hoặc khi các bạn bán cổ phiếu đi rồi thì giá lại ko tăng thêm rất nhiều nữa. Càng chơi T+, bạn càng dễ gặp chuyện bán đi rồi cổ phiếu mới tăng. Nó góp phần tạo ra tâm trạng tiếc nuối, tự trách bản thân, và lại lao vào những cuộc săn tìm mới, rồi thất vọng mới.
Đầu tư chứng khoán là một lao động nghiêm túc, không thể hời hợt thế. Những bạn có thói quen giao dịch nhiều, ngày nào cũng phải mua đi bán lại, có thể các bạn thắng được nhiều những trận nhỏ nhỏ. T+ vài ngày, mua với tỷ trọng thấp trong tổng số tiền bạn có, và thấy vui vì điều đó. Nhưng sự thật thì phần lớn tài khoản bạn không tăng nhiều, không lỗ là may.
Mỗi cổ phiếu là một câu chuyện riêng, hãy cố gắng hiểu cổ phiếu bạn đã lựa chọn, đọc nhiều nhất có thể, những phần hay nhất đã, đang và sẽ được viết ra. Điều đó tốt hơn, giá trị hơn là chỉ nhăm nhăm tìm đọc một vài đoạn có vẻ hay hay, rồi tự huyễn hoặc, tưởng như là ta đã đọc hiểu hết sách trong thiên hạ.
Hãy đặt lại câu hỏi đơn giản. Tại sao thị trường chung tăng 500 điểm, có người lãi, và rất nhiều người lỗ.
Những dấu hiệu lên đỉnh
Tuần giao dịch trầm lắng, nhưng hứa hẹn bất ngờ. 10 năm trước, 1170 chỉ là một con số bình thường như bao số bình thường khác, cho đến khi, nó trở thành niềm vui, hay nỗi buồn với bao người trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đỉnh của đỉnh.
Cũng như khi mà mốc 1130 chưa xuất hiện31, chẳng ai thèm nhớ nó. Những người dạo này hay nói về 1130 như thể nó là kháng cự mạnh, trước đó, chắc chẳng đoán được đâu32. Ai bảo đã vẽ, đã tiên đoán trước, đã đo bước sóng bằng thước Lỗ Ban ra được lâu rồi…, là nói phét. Thường thì đa số công nhận, chỉ khi đã qua đỉnh, nhìn lại, mới biết đó là đỉnh33. Nhưng vẫn đầy người ăn may, bán đúng đỉnh.
Lâu ngày, kinh nghiệm chứng trường cũng có thể giúp nhận biết được những dấu hiệu ở đỉnh, không phải luôn đúng, có khi nếm trái đắng, nhưng cũng đáng để tham khảo. Lưu ý, đoán đỉnh ngắn hạn trong một uptrend dài hạn, không hẳn là thông minh. Những người đoán 600, 700, 800, 900 là đỉnh VNI năm 2017 đâu rồi, giơ tay lên xem nào.
Trước hết, đỉnh, thì không thể có giá thấp lè tè, giao dịch đi ngang sau bao ngày. Vùng giá đó là vùng tích lũy, để bứt phá thì đúng nhiều hơn là để rơi xuống đáy mới. Tích lũy lâu vùng giá thấp, sau đó giá nhích lên chút rồi đi ngang, tăng giảm đan xen, rồi lại tăng thêm một chút mà khối lượng không tăng đột biến, khó có thể là đỉnh.
Có thể trong xu hướng lên giá, vài lần xuất hiện “đỉnh giả”, giá chạm một ngưỡng kháng cự nào đó, và giảm về ngưỡng hỗ trợ nào đó, để lấy đà tiếp, rồi lại bứt phá, phá vỡ cái đỉnh giả đó nhanh chóng, và lên tầm cao mới34. Khối lượng giao dịch tại vùng “đỉnh giả” này cũng tăng đột biến gây ra những nghi ngờ, lo ngại điều chỉnh sâu. Mặc dù có thể sau phiên đột biến khối lượng này thị trường sẽ điều chỉnh giảm rồi sớm tăng trở lại, hoặc vẫn tăng tiếp ngay vài phiên sau, thì phiên khối lượng cao đột biến luôn cần xem xét khả năng “phân phối” hàng lần đầu ở lưng chừng dốc, và tiềm ẩn “nguy cơ” lập đỉnh sau đó không quá xa, với khối lượng không quá đột biến so với trung bình trước đó nữa, nhưng vẫn ở mức cao. Những người ham lướt sóng nhỏ thì thường bán mất hàng, và không dám mua lại ở những giai đoạn này, rồi tiếc nuối, ân hận, khóc thầm giá như…, và sau đó dễ lao vào mua lại đúng “đỉnh thật”.
Trong quá trình đi lên, đường giá luôn gặp những mốc giá chẵn, tròn số chắn đường, và biết đâu một trong số đó là đỉnh. Lúc này, người ta thường sẽ tham khảo thêm diễn biến giá trong lịch sử giao dịch của một cổ phiếu, hoặc của chỉ số chung để tham khảo các đỉnh cũ, giờ được coi như là một ngưỡng cản, có thể lại là đỉnh ngắn hạn. Kiểu như 1170 giờ có thể lại là đỉnh, hoặc ít nhất, nó đang là ngưỡng cản tâm lý rất mạnh, trong quá trình VNI đi lên.
Muốn biết đỉnh, thì hãy xem lại vùng tích lũy ở đáy, lượng cổ phiếu được mua bán là bao nhiêu, tính qua qua xem trong các phiên đi ngang, phiên phá vỡ xu hướng, đảo ngược xu hướng và những phiên lực mua dồn dập, giao dịch bỗng nhiên sôi động trở lại ở vùng đáy và qua đáy… để ước chừng tổng lượng cổ phiếu đã giao dịch. Con số này cũng quan trọng, vì quá trình đi lên gần đến đỉnh, và những phiên ở vùng đỉnh, số cổ phiếu giao dịch sẽ ít nhất là ngang ngang nhau, hoặc nhiều hơn rất nhiều so với ở vùng đáy trước đó.
Thông thường, những phiên ở đỉnh, giá co giật liên hồi, lên lên xuống xuống, số lượng giao dịch rất lớn. Giá biến động rộng trong phiên mới dễ gây nghi ngờ và kích thích lòng tham, tạo thanh khoản lớn. Mức giá lúc đó đương nhiên phải cao hơn rất nhiều so với đáy rồi. Nhiều người dùng TA tính theo sóng, tính theo các con số vàng Fibonacci cũng có thể ra được giá gần đúng (10 là đúng được 5 lần đã là cao lắm rồi, đừng có mơ 90% hay 100%) của một cổ phiếu, hay của VNI nói chung, và chờ đợi sự may mắn.
Người ít kinh nghiệm, đơn giản là hãy luôn dựa vào khối lượng giao dịch để phán đoán. Nếu thấy giao dịch vừa phải, không có tăng đột biến về khối lượng thì nhiều khả năng chưa phải đỉnh, chỉ là một quãng nghỉ mà thôi. Nhưng nếu sau vài phiên tăng liên tục mà khối lượng tăng mạnh cùng với biến động giá trong phiên rộng, thì nghi ngờ là phiên chốt lời và phân phối. Lúc đó ra hàng cũng hợp lý, ko quá quan trọng lãi bao nhiêu
%. Khối lượng tăng đột biến nhưng phải nhớ loại trừ đi những giao dịch thỏa thuận quy mô thi thoảng xuất hiện ở một vài cổ phiếu vốn hóa lớn nào đó.
Có những cổ phiếu giao dịch không đột biến khối lượng mà tăng dần đều, giá đã tăng cao so với đáy cũ, duy trì số lượng giao dịch cao liên tục nhiều phiên nhưng giá ko tăng mấy nữa hoặc tăng giảm xen kẽ, biên độ hẹp, đi ngang. Lực mua thua lực bán. Chốt.
Nhưng lại cần lưu ý, có nhiều cổ phiếu mà có thông tin hỗ trợ tốt, dòng tiền chờ điều chỉnh luôn sẵn sàng nhảy vào, lực mua gom vẫn rất mạnh, thì sau phiên giao dịch đột biến đó giá vẫn không giảm mà tiếp tục tăng, tiết cung và đi lên mặt bằng giá cao hơn nữa. Điều này thường xảy ra sau giai đoạn tích lũy vùng đáy và tiếp tục tích lũy hoặc “thay máu” cổ đông trong quá trình đi lên dài hạn.
Bên cạnh đó, nên quan sát bảng điện, quan sát lệnh mua bán, quy mô lệnh để nhận biết, phân biệt các trường hợp khác nhau, dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ 1 trường hợp (cho vui, có thể ít gặp trong thực tế), rung cho nhỏ lẻ chạy sau vài phiên tăng giá, tiết cung (mục tiêu là mua gom nhiều nhất tại vùng đáy). Lệnh đặt mua giá trần khối lượng tương đối lớn, rồi đặt một lượng bán ATO trung bình để “mồi”. Nhỏ lẻ thì đã đặt bán hết giá trần. Cuối phiên ATO, lại thấy vào lệnh mua ATO lớn để khớp gần hết giá trần nhỏ lẻ treo bán. Đến phiên khớp lệnh liên tục, để rung những người còn ngoan cố, “lái” bán thẳng lệnh to vào lệnh chờ mua trần, cũng của lái đặt sẵn từ trước, bay trần luôn và đè bán tiếp mức giá dưới trần. Gà qué thấy thế thì lại vác hàng ra bán, lực bán mà mạnh thì giá lùi về tham chiếu, thậm chí đỏ. Khi nhỏ lẻ bán cho bằng sạch, lái lại gom hết, đẩy trần và sẵn sàng mua lại giá trần của những người vẫn còn ngoan cố hoặc lướt trong phiên. Nhưng cung thì đã cạn. Nên việc tiết cung những phiên sau đó lại là dễ hiểu. Và chưa phải là phiên phân phối trên đỉnh mà tiếp tục là những phiên tăng điểm sau đó. Điều này cũng chỉ xảy ra gần đáy, không phải khi giá đã tăng nhiều từ đáy. Như thế, khoảng cách giá đỉnh và giá đáy cũng là một dấu hiệu cần tham khảo.
Mặc dù mới chỉ là dấu hiệu bước đầu, nhưng luôn tỏ ra hiệu quả để nhận biết vùng đỉnh, và cần phân tích diễn biến tiếp sau. Cũng chính là TA đấy, nhưng đã được đơn giản đi nhiều, chỉ giá và lượng là đủ.
Chọn cổ phiếu tốt
Đầu tư chứng khoán năm 2018-2019 không còn dễ chơi như 2016- 2017 nữa. Nhưng cơ hội thì vẫn rất nhiều, bởi chúng ta đang ở ngưỡng chờ vượt đỉnh để đi tìm đỉnh mới.
Sự thực thì hầu như không mấy ai có kinh nghiệm trong chuyện này cả. Trong một bài viết trước đã nói, lứa nhà đầu tư sau 2007 chỉ có kinh nghiệm đi xuống đáy là chính, còn lứa trước 2007, dù có được “lên đỉnh” 1170 thì quy mô thị trường khi đó cũng quá nhỏ, đủ để choáng ngợp với hiện tại và tương lai.
2016-2017 chứng kiến một giai đoạn đầu của sự tăng trưởng, là lúc mọi thứ bỗng thấy trở nên quá rẻ, và hầu như mua mã nào cũng thấy lãi cả. Ai nhảy nhót nhiều, hoài nghi nhiều thì lãi ít. Ai nắm giữ lâu dài, nhảy nhót ít thì lãi nhiều.
Sự ngang bằng nhau (tương đối) về cơ hội rộng mở, đã làm cho nhiều người, nhất là gà mới, tưởng chứng khoán chỉ cần có tiền, có tin nội bộ và có chút may mắn là đủ. Dễ tự phụ hay huyễn hoặc về một vài thành công bước đầu, khi mà hàng rác, thượng vàng hạ cám, đều lần lượt đi lên một mặt bằng giá mới. Ai cũng có cơ hội thành chuyên gia, tán mã nào chuẩn mã đó. Đám đông bỗng nghĩ rằng không cần am hiểu sâu về doanh nghiệp, không cần biết về nhóm ngành, sản phẩm và vị thế, doanh thu, lợi nhuận… mà chỉ cần qua TA để phát hiện tiền đang vào cổ phiếu nào và mua theo là thắng.
Nhưng dần dà, một trật tự mới đã dần được thiết lập, hàng rác trở lại đúng thành rác. Hàng chất lượng cao giá ngày một cao. Những người đi đúng hướng đã thành công lại càng thành công. Những người nhầm xu thế, trở thành những kẻ chiến bại. Họ không kém, chỉ vì họ lao vào cối xay gió.
Trong không khí hội hè đó, TA lúc đầu giúp cho các thánh cuồng phán bậy cũng đúng. Nhưng càng về sau càng khó, và đến 2018 trở đi còn khó hơn.
Thời bát nháo đánh hàng giấy lộn có vẻ càng lùi xa. Muốn “lái” cũng phải chọn cổ chất. Hãy điểm danh lại những con hàng kinh điển mà được khuyến nghị mua từ đáy thời gian qua, như HVN, MSR… thì thấy.
FA hay những thứ đại loại như nền tảng cơ bản và căn bản của doanh nghiệp, tiềm năng tăng trưởng, lợi thế ngành nghề, hưởng lợi chính sách… mới là những thứ cần được xem xét đầu tiên.
Chẳng cần là chuyên gia để đi tìm những cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị thực, bạn hãy nhìn xem ngành nào mạnh nhất, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… và luân phiên đón đầu dòng tiền khi vận động theo những ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, từ các bất ổn địa chính trị, từ việc thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu đầu vào…; nhìn xem doanh nghiệp nào dẫn đầu, hay cũng có tiềm năng cạnh tranh những vị trí dẫn đầu, mua cổ phiếu lúc thấp và đợi bán lúc cao. Là khoẻ.
Trên cơ sở đó rồi mới kết hợp với quan sát đón đầu dòng tiền, sẽ hứng được tiền. Khi nhiều người thấy, chạy theo dòng tiền thì vẫn có cơ hội, nhưng rủi ro tăng dần. Còn khi thấy cả nước buôn chứng, thì là lúc dòng tiền thông minh thoát ra từ từ, liệu mà rời đi, trước khi nước rút.
Ngắn hạn hay dài hạn
Quan điểm, phương pháp đầu tư dài hạn thì có nhiều, lại khác nhau với mỗi thị trường, mỗi tổ chức hay mỗi cá nhân. Không có duy nhất một đáp số đúng, một khuôn mẫu nhất định.
Hiểu nôm na, đầu tư dài hạn là mua và nắm giữ một khoảng thời gian đủ dài (bao lâu cũng tuỳ, có nhiều người, dài lắm cũng chỉ là 5 ngày/1 tuần giao dịch), mà không cần quan tâm nhiều đến các biến động giá trong ngắn hạn (mua bán theo từng phiên).
Nói nghe đơn giản vậy, thực tế, dù nhận là nhà đầu tư dài hạn thì bạn cũng rất khó để yên tâm nắm giữ, nếu suốt ngày xem bảng giá và muốn mua mua bán bán.
Bên cạnh đó, dù có kiên định đầu tư dài hạn, không mua bán gì, thậm chí khóa tài khoản, vứt đó đợi nấm mốc làm việc, (giả vờ) quên mật khẩu truy cập tài khoản… thì nhiều khi, người ta vẫn thấy đậm chất may rủi, không mấy hiệu quả. Cứ nghĩ để lâu dài, không cần ngó ngàng là tốt, đến khi mở tài khoản ra thì giá cổ phiếu mình nắm giữ đã đi qua vùng đỉnh, cơ hội bán tốt không còn. Có khi lúc đó cổ phiếu trên đường lập đáy ngắn hạn. Lại phải chờ đợi trong thất vọng, hoặc quyết định bán đi. Đầu tư dài hạn mà không theo dõi thị trường trong dài hạn, lại nếm trái đắng thay cho trái ngọt. Có người, kể cả đã theo dõi thị trường, nhưng không tính chuyện chốt lãi, mà còn kỳ vọng quá cao, phi thực tế thì cũng thành ra thất bại.
Tâm lý chỉ mong cổ phiếu tăng mãi không giảm, hay đứng núi này trông núi nọ cũng tác động tiêu cực. Nhìn thấy cổ phiếu mình mua vào mãi không tăng, thậm chí còn giảm đi mỗi ngày một ít, trong khi các cổ phiếu khác cứ thấy tăng ầm ầm. Lúc mình mua hoặc định mua cổ phiếu A thì nó không tăng, lúc quyết định mua cổ phiếu B, bán A đi thì lại thấy A tăng không có đỉnh. Rồi cứ thấy cổ phiếu mình mua vào giảm chút là sợ lỗ, chỉ chăm chăm bán đi. Những suy nghĩ này ám ảnh trong đầu, và sau cùng, nhà đầu tư dài hạn chỉ là một khái niệm trang trí cho đẹp với nhiều người thích chém gió.
Vì thế mà, nhiều chiên da thường khoác lác, rằng họ sẽ luôn chờ đợi đến khi nào giá cổ phiếu bắt đầu chạy, bộ lọc TA phát hiện thấy dòng tiền lớn đang vào thì mua. Thà mua chậm vài phiên khi xu hướng tăng giá đã rõ ràng cũng được. Chờ giá vượt đỉnh rồi mua càng tốt. An toàn và hiệu quả, quay vòng vốn nhanh. Nếu bạn luôn làm được vậy thì chúc mừng bạn đã chiến thắng thị trường. Bạn thuộc về giới tinh hoa và kiệt xuất.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải ai, không phải lúc nào cũng biết được, hiểu được hết diễn biến giao dịch, thông tin nội tại về sức khỏe các doanh nghiệp, cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô, vi mô ảnh hưởng đến mỗi ngành nghề khác nhau… để hiểu rõ “tính cách” của từng cổ phiếu, để phán như đúng rồi về bất kỳ mã cổ phiếu nào. Hãy nhớ điều đó.
Với đa số người chơi, nếu ko nắm đủ lâu, tìm hiểu đủ kỹ, và đủ bầm dập trải nghiệm với một cổ phiếu nào đó, thì bạn khó có thể biết chính xác nó sẽ “chạy” khi nào, và có chắc chắn tăng liên tục không…
Nhìn các chỉ báo TA, thông qua bộ lọc nào đó với những công thức máy móc, ai biết cơ bản TA cũng làm được, mà coi như hiểu hết cả thị trường, thì cũng chỉ là thầy bói xem voi, mà thôi. Dù có TA để hỗ trợ, thì trên thực tế, để diễn ra đúng và đủ một chu kỳ, một giai đoạn, một con sóng… thời gian phải tính bằng tháng, bằng năm, đặc biệt là những cổ phiếu tích lũy dài, quá trình tăng giá chắc chắn, sẽ liên tục có những phiên điều chỉnh xen kẽ với phiên tăng giá mạnh. Luôn có những cổ phiếu đi ngược xu hướng chung của thị trường, nhưng tìm được nó cũng khó như đào vàng.
Hỡi những con gà đang miệt mài xin quẻ đánh chứng hàng ngày.
Hãy tự tin vào bản thân mình trước.
Tất nhiên, có những người thật may mắn, họ chỉ vào theo tuần mà đúng vào tuần tăng ấn tượng nhất, thì cũng đủ để sung sướng. Hãy mừng cho họ, vì họ đã may mắn hơn người khác. Nhưng đừng chỉ thụ động xếp hàng chờ đến lượt mình. Thường thì những người chơi mới vào cũng sẽ ko đủ kiên nhẫn đi hết sóng, và ảnh hưởng bởi tâm lý T+ nên hay chốt lãi non. Ngay cả nhiều người đã kiên định giữ dài hạn, như đã nói nhiều lần, có khi cũng vội bán ra chỉ sau vài phiên tăng giá. T+ mà thôi. Nói dễ hơn làm.
Vì thế, trước hết, hãy chọn những doanh nghiệp tốt nhất có thể, tiềm năng nhất có thể. Có niềm tin và sự kiên nhẫn.
Chỉ bán ra khi đánh giá hoặc nhận thấy thị trường chung đạt đỉnh, hoặc giá cổ phiếu mình nắm giữ dài hạn đã tăng mạnh và có thể đi vào vùng đỉnh (có thể cân nhắc cả ngắn hạn và dài hạn), thiếu các động lực tăng giá bền vững, xuất hiện các yếu tố bất lợi.
Nếu trong quá trình đầu tư có giá thấp, hãy mua vào để đầu tư và giảm giá vốn. Nếu nhìn theo T+, bạn có thể lãi 5-10% là chốt lời. Nhưng nếu để dài hơi, qua các biến động ngắn hạn, với số cổ phiếu mua thêm giá thấp đó, bạn có thể lãi lên 30-50% hay hơn nữa.
Để hạn chế rủi ro khi cổ phiếu nắm giữ đã qua vùng đỉnh mà không bán chốt lãi, bạn hãy đừng nghĩ đơn giản dài hạn là không theo dõi diễn biến giá, không quan tâm đến thị trường, hay không được mua bán cổ phiếu đó. Nói cách khác, bạn vẫn lướt sóng, nhưng là tập trung cho những con sóng lớn, với niềm tin dài hạn.
Nếu thực sự đã tìm được một cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, là một nhà đầu tư cá nhân, hãy tính toán khối lượng bạn dự định nắm giữ lâu dài, mua dần cho đủ, chọn vùng giá thấp hoặc những phiên điều chỉnh sâu để gia tăng khối lượng.
Trong quá trình đó, hãy linh hoạt dùng một phần tiền mặt và một phần cổ phiếu đó để lướt khi có sóng ngắn, vừa giúp hiểu “tính cách” cổ phiếu, vừa có thể hạ giá vốn cho đầu tư dài hạn, vừa có cảm giác là dân chơi, lướt sóng ngắn hạn trên chính danh mục đầu tư dài hạn.
Bán nhầm còn hơn bán chậm
Tháng 3 phá đỉnh. Chém gió, cơ mà đúng.
Kinh nghiệm cho thấy trong chứng khoán, không dễ gì để số đông có thể kiếm tiền vùng đỉnh; số đông, thường lao vào cắn nhau thì nhanh, mà thôi.
Mặc dù tin tức quốc tế có thể khá bất ngờ với đa số, tuy nhiên, đó là một phần tất yếu của cuộc chơi36. Chứng khoán mà chỉ dựa vào TA, chỉ nhìn vào xu hướng tăng đang mạnh, đồ thị đang đẹp để mà mua bán, nhất là vùng đỉnh, mà không cân nhắc biên độ rủi ro có thể chấp nhận, thì không bao giờ là đủ. TA giúp bạn khái lược diễn biến giá trong quá khứ. Còn dự báo tương lai ư? Đừng ảo tưởng sức mạnh.
Những tin tức đủ sức nặng sẽ lái giá cổ phiếu trong ngắn hạn, bất kể TA trước đó đẹp hay xấu đến thế nào. Và thường thì cái nhìn thấy rõ nhất, ngấm nhất, là tác động tiêu cực đến giá của hầu hết cổ phiếu, từ những thông tin tiêu cực.
Vì thế, khi thấy có một tin xấu nào đó về doanh nghiệp, hay là những tin tức vĩ mô nói chung, những tin tức quốc tế mà khả năng ảnh hưởng là khá mạnh với phạm vi rộng, hoặc đơn giản là chứng khoán Mỹ hay Nhật có phiên giảm điểm kinh hoàng… thì điều cần thiết, ít nhất với dân chuyên lướt sóng ngắn ngày, là phải phản ứng nhanh, bán ngay 1/3 – 1/2, thậm chí bán hết danh mục ngay trong phiên.
Nhưng không phải là cố bán sàn, bán bằng mọi giá, mà chọn bán thời điểm giá hồi lại, hoặc giá xanh. Tốt nhất là bán ngay khi bạn biết tin, hoặc tin mới chỉ bắt đầu lan ra và diễn biến giá trên thị trường còn lưỡng lự chưa rõ xu hướng vì có vẻ như nhà đầu tư đang nghe ngóng.
Hãy nhớ, thà bán nhầm còn hơn bán chậm. Bán nhầm rồi bạn vẫn có cơ hội mua lại dù giá cao hơn chút, hoặc đợi lúc điều chỉnh có thể mua lại giá tốt hơn. Ngược lại, đợi đến khi thị trường ngấm tin xấu, thì mình cũng ngấm đòn.
Lưu ý, đối với truyền thông ngày nay, tin tức lan rộng rất nhanh, mức độ ảnh hưởng mạnh, nhưng cũng thường qua đi nhanh, vừa bi quan đấy nhưng lại sớm lạc quan ngay được. Và báo chí, truyền thông và đám đông sẽ lại sớm tìm ra những câu chuyện mới để chú ý, luận bàn.
Vì thế, như đã nói nhiều, hãy luôn nhớ một điều song hành: Giảm mạnh là cơ hội. Bởi vì chúng ta luôn có thể kiếm được tiền khi xuất hiện các cơ hội đảo chiều xu hướng, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Khi bạn đã bán được giá cao tương đối, hoặc nếu bạn không giữ nhiều cổ phiếu, thì hãy chọn cổ phiếu tốt, mua vào ở những thời điểm giảm sàn, hoặc đã giảm sâu 2, 3 phiên tiếp theo. Chỉ mua ở mức giá mà bạn “cảm thấy”37 tương đối hời và chấp nhận được nếu kẹp hàng. Bạn sẽ có thể hái quả ngọt sau đó.
Cũng có một số trường hợp, chỉ từ một tin tức nào đó, rồi dần dần hé lộ những tác động tồi tệ, kéo dài hơn bạn nghĩ, và làm cho giá cổ phiếu thực sự giảm sút rất nhiều. Bạn phải sớm nhận ra sai lầm và thoát khỏi thị trường. Nếu ngoan cố nắm giữ cổ phiếu với hy vọng sớm tăng trở lại, bạn sẽ thấy buồn bực, nuối tiếc một thời gian đủ dài.
Tâm lý đầu tư rất quan trọng
Các con gà, đa phần các bạn đã thua lỗ và sẽ còn tiếp tục thua lỗ, nếu các bạn vẫn cầm tinh con gà. Bất kể các bạn đầu tư bao lâu, cắt lỗ bao lần. Đích đến của các con gà, chỉ là nồi nước sôi, mà thôi.
Các bạn cần tự tin vào chính bản thân mình. Chính các bạn chứ không phải dựa dẫm vào ai khác.
Thị trường đầy rẫy thông tin và cạm bẫy, các yếu tố bất định hàng ngày chi phối giá cả của trăm nghìn loại hàng hóa, các sự kiện kinh tế chính trị quốc tế gây bất ngờ… Bạn không thể ôm đồm hiểu biết hết được, và không phải lúc nào cũng cần thiết lắm đâu. Lan man nhiều thứ mà đầu tư không hiệu quả, thì cần phải xem lại cho có trọng tâm, trọng điểm.
Những con gà đang miệt mài chém gió và tìm kiếm thông tin nội gián, tìm kế hoạch đánh lên đánh xuống ai đó rỉ tai cho, tìm những mã hàng ăn bằng lần, tìm lời khuyên vô thưởng vô phạt từ một ai đó, mà bạn chẳng rõ họ là ai, họ đầu tư có hiệu quả không, họ hiểu biết gì về mã cổ phiếu bạn đang có kế hoạch đầu tư, họ có điểm mạnh điểm yếu gì, họ có thực sự “giỏi” hơn bạn không…
Tóm lại, nếu bạn thấy mình giống như vậy, thì có lẽ các bạn là những người sợ trách nhiệm, ko dám đầu tư theo những tiêu chuẩn niềm tin của mình, không biết tự xây dựng các nguyên tắc kỷ luật đầu tư cho mình, mà chỉ muốn trông cậy vào “lòng tốt” của người khác và sự may mắn.
Đã không dám tự chịu trách nhiệm, thì lại chỉ mong tìm kiếm người khác để đổ lỗi. Các bạn thường quy kết nguyên nhân gây ra thiệt hại trong tài khoản của bạn cho đội lái, cho người phím hàng, cho môi giới, cho người nhận ủy thác, cho công ty chứng khoán…, ngoài bạn.
Hãy nhận thức lại. Không phải phân tích cơ bản, cũng không phải phân tích kỹ thuật quyết định sự thành bại của một nhà đầu tư, của các giao dịch trên thị trường (dù biết được thì đương nhiên tốt hơn chút).
Tâm lý đầu tư; yếu tố tâm lý của chính bạn mới quyết định sự thành bại của bạn.
Đừng tin có một hệ thống phân tích kỹ thuật nào có thể đánh bại thị trường. Cũng đừng nghĩ bạn có thể lạnh lùng với một hệ thống quy tắc tâm lý đầu tư không cảm xúc.
Hãy giữ lại những cảm xúc tích cực;
Hãy tự tin nhưng đừng tự kiêu mà thành ra mù quáng, bảo thủ; Không quá tham lam và không quá sợ hãi;
Bạn hãy tự liệt kê tiếp đi và thực hành với nó. Hãy quên mình là gà đi, hỡi các con gà.
Hứng khởi nào bằng thị trường lên đỉnh
Chuyện chứng khoán, một trong những thứ thú vị nhất là lên đỉnh. Lên đỉnh – thú vị nhất là vượt đỉnh; Khó chịu nhất là không vượt được đỉnh rồi rơi khỏi đỉnh.
Vượt đỉnh này thì rồi lại tới đỉnh khác. Và chuyện không tránh khỏi, là phân phối ở đỉnh. Chuyện thường. Hỡi các con gà, đừng ngồi đó mà đoán bừa đâu là đỉnh, hay lo sợ gặp đỉnh. Thay vào đó, hãy trang bị cho mình một vài dấu hiệu nhận biết đỉnh thì hơn, đừng nghe trym lợn với bìm bịp mà loạn chưởng.
Làm sao biết được thị trường đang phân phối đỉnh. Cũng không quá khó. Giá và khối lượng, luôn là thế. Nên việc tham khảo TA là tốt để giúp nhận biết thông qua các chỉ báo, nhưng không quá quan trọng. Mà giá và khối lượng, chính là (cái gốc của) TA rồi.
Chứng khoán lên đỉnh cũng giống như là chuyện “lên đỉnh” ấy mà. Phải có cao trào. Phải trải qua một chặng đủ lâu. Phải có cảm xúc dâng tràn. Phải có khối lượng tăng ào ào. Phải có từng đợt, từng đợt sóng liên tiếp. Phải có đỉnh cao. Thậm chí còn muốn tạo ra vài nhịp hồi cao cao kiểu vẫn còn muốn lên nữa. Và phải có, tất nhiên rồi, khi đi qua đỉnh, sẽ ỉu xìu xuống như bánh đa ngấm nước, giá giảm sâu và giao dịch èo uột.
Việc lập đỉnh không phải ngày một ngày hai. Nó thường diễn ra trong khoảng 1, 2 tuần trở lên. Nhưng nếu không đầy đủ các dấu hiệu về giá và khối lượng, thì khả năng chỉ điều chỉnh vừa phải, rồi phá đỉnh và đi lên đỉnh cao mới. Nhầm lẫn mất hàng do mắc “bẫy giảm giá”, cũng đau như là bán hàng vùng đáy.
Giá và khối lượng luôn có ý nghĩa rất quan trọng ở cả đáy và đỉnh. Nếu phân phối ở đỉnh, hãy nhìn khối lượng giao dịch thường phải tăng đột biến so với giao dịch trung bình nhiều phiên trước đó, diễn ra trong vài phiên, có thể liên tiếp, hoặc cách nhau một vài ngày. Quan trọng nữa là dù trong phiên có lúc chỉ số tăng rất mạnh, nhưng sau cùng thì giá đóng cửa chỉ tăng nhẹ, hoặc đỏ, hoặc giảm mạnh. Cứ vài phiên khối lượng lớn (khối lượng bất thường này cần loại trừ các giao dịch thỏa thuận trao tay, khối lượng gia tăng đột biến của một công ty mới chào sàn…), mà giá không tăng được như vậy, thì thôi nhé, nhanh chóng mà chạy trước, kẻo cáo ăn thịt. Bởi vì tiền đã có dấu hiệu rút lui, bán ra và không tiếp tục mua, không xoay vòng ở lại thị trường nữa, lực cầu sẽ giảm và thị trường không hấp thụ được hết cổ phiếu với mức giá đang còn rất cao.
Vậy 1170 đã phải đỉnh chưa? Còn khuya38.
Tiếp chuyện tâm lý đầu tư
Những lần trước đã nói nhiều về yếu tố tâm lý39 của cá nhân nhà đầu tư có vai trò quan trọng quyết định thành công hay thất bại trong đầu tư chứng khoán.
Tâm lý nội tại bản thân mỗi nhà đầu tư, không phải là tâm lý đám đông.
Nhưng đầu tư chứng khoán thì cần có những am hiểu nhất định về
tâm lý đám đông40. Bởi vì, mặc dù một thị trường hiện đại ngày nay gần như “vô hình”, không có sự gặp gỡ tương tác trực tiếp giữa các cá nhân đơn lẻ, nó vẫn điển hình cho một đám đông (ảo mà thật) không thuần nhất, và “đám đông tâm lý” này có những đặc điểm về tinh thần, có “tâm lý” của nó.
Đối với thị trường còn non trẻ, cận biên và chưa thực sự minh bạch, đám đông này dễ bị tác động bởi những nhóm dẫn dắt, dễ thay đổi, dễ bị tổn thương, dễ mất phương hướng, dễ mất niềm tin, dễ bị “lái” thao túng… và dễ thể hiện những mặt tiêu cực của tâm lý đám đông, hơn là mặt tích cực.
Những cá nhân nhà đầu tư ngồi giấu mặt sau bàn phím, vô tình hay hữu ý, tham gia vào đám đông chứng khoán này, gián tiếp thông qua các diễn đàn, mạng xã hội, nhóm đầu tư… bỗng có thể không còn là chính mình như vốn dĩ nữa. Họ bị tác động bởi tâm lý đám đông và chi phối lại tâm lý cá nhân, gây ra những bất thường, xung đột tâm lý và đi đến những quyết định sai lầm.
Tò mò, không dám chịu trách nhiệm, sợ sai, ỷ lại, tâm lý bầy đàn, dựa dẫm tin đồn, mù quáng, tham lam, ảo tưởng… đã tác động và làm cho cá nhân nhà đầu tư đánh mất mình, làm cho những nguyên tắc kỷ luật đầu tư bị phá vỡ dễ dàng.
Mặc dù vậy, đi ngược đám đông không phải lúc nào cũng đúng, bởi có khi, ở một khía cạnh, một thời điểm nào đó, đám đông vô thức lại trở nên “minh mẫn” và “đúng” hơn so với một số cá nhân. Vì thế, hãy cân nhắc kỹ, hiểu tâm lý đám đông để vận dụng linh hoạt trong đầu tư.
Trong chứng khoán, kinh nghiệm chính là vũ khí quan trọng để chế ngự lại những cám dỗ chạy theo đám đông vô thức ấy.
Bình tĩnh, kiên nhẫn và sáng suốt
Bây giờ thị trường chứng khoán có nhiều nhà đầu tư mới và càng trẻ tuổi, năng động, giỏi công nghệ hơn, dễ tiếp cận với các phân tích kỹ thuật hơn, tính cạnh tranh cao hơn nhiều.
Nếu không trang bị tốt các kiến thức đầu tư chứng khoán, các bạn gà, các bạn sẽ khó bảo toàn vốn chứ chưa nói tới có lãi. Hãy dành thời gian tự tìm hiểu chút về TA chẳng hạn, nhưng đừng bị lệ thuộc vào TA mà hãy sử dụng công cụ đó chừng mực, hiệu quả thì có ích đấy.
Bên cạnh mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, là vấn đề quản trị rủi ro. Thị trường càng ở vùng đỉnh cao, ru ngủ nhà đầu tư thì bạn càng cần cảnh giác. Danh mục cờ bạc và chờ vào may rủi, chờ người khác đánh lên cho mình chốt lời vì nghĩ mình sẽ “khôn hơn lái” chỉ là ảo tưởng, dễ đốt cháy tiền của bạn nhanh hơn, mà thôi.
Suốt ngày đêm ngồi canh bảng điện tử, canh chứng khoán Mỹ, Nhật, EU giúp bạn điều gì không? Suốt ngày phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích chính trị xã hội, rồi chỉ để lướt sóng T+ dăm ba bữa, có đáng không?
Trừ khi bạn là nhân viên trong các công ty chứng khoán và nghề của bạn cần cập nhật thông tin để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng…, còn ngược lại, bạn sẽ quá tốn thì giờ và tâm trí vào những việc này, mà dẫn đến bỏ bê công việc chính, và lại dễ mắc sai lầm khi ra quyết định, với một tâm lý bất ổn chạy theo đám đông vô nguyên tắc. Ôm đồm nhiều thứ quá rồi sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
Bạn chiến thắng là nhờ chọn được những cổ phiếu tốt, có độ an toàn cao, tăng trưởng theo thời gian, đáp ứng được kỳ vọng của số đông và dòng tiền lớn. Tất nhiên là luôn có những cổ phiếu tốt “bị lãng quên” bỗng chốc vụt sáng, nếu bạn may mắn, hoặc phải rất “tinh đời” để tìm thấy. Bằng không, chỉ là những canh bạc T0, T1 hay T3 với vài lần “có ăn” vụn vặt, nhất thời. Những người đang say với những con sóng nhỏ hàng ngày, chỉ quan tâm đến chênh lệch giá cổ phiếu mỗi ngày, nay mua mai bán, nay công ty này, mai công ty kia… thì thành công hay thất bại chỉ cách nhau một vài lần đặt lệnh, mà thôi.
“Bình tĩnh, kiên nhẫn và sáng suốt”. Đó là những đức tính cần thiết cho một nhà đầu tư giá trị, nhà đầu tư dài hạn, hay một nhà gì đó tùy bạn muốn gọi. Những người mua chứng khoán không hẳn đều muốn làm chủ doanh nghiệp, nhưng bạn hãy coi mình là những doanh nhân, những người kinh doanh thực thụ, thấu hiểu về doanh nghiệp mà bạn định mua cổ phiếu. Không quá quan tâm đến những biến động lên xuống ngắn hạn của giá, mà tập trung xem xét những yếu tố cốt lõi, giá trị doanh nghiệp, tiềm năng, triển vọng dài hạn…
Hãy tỉnh táo và tin vào những nguyên tắc đầu tư bạn đã xây dựng, kinh nghiệm của các bạn đã có, đừng chạy theo những thông tin đồn thổi mà bạn luôn bị động, luôn bị chậm nhịp khi phải đợi hàng về tài khoản, luôn tưởng như ăn được mà lại thua lỗ. Tại sao bạn có thể ngây thơ tin lời người khác mà không cần phân tích, kiểm định độ tin cậy. Tiền của chính các bạn cơ mà. Tại sao toàn là thông tin siêu tốt mà người ta dễ dàng tiết lộ cơ hội cho bạn, sao họ không dồn hết tiền mà tự mua. Hãy biết nghi ngờ, trước khi đặt niềm tin.
Tại sao các bạn không chọn mua những doanh nghiệp đầy tiềm năng, với mức giá mà biên độ an toàn cao, thị trường đang định giá thấp… rồi rong chơi chém gió chờ đợi thành quả, chẳng hơn việc hàng ngày cắm đầu vào bảng điện bán bán mua mua hay sao. Mua khi dòng tiền lớn đã âm thầm gom hàng trước đó từ lâu, không phải là mua khi giá đã, đang bị đẩy lên cao nhằm thoát hàng. Khi dòng tiền đủ lớn để các bạn nhìn thấy, đó là lúc phải cẩn thận, phải cân nhắc kỹ giữa lợi nhuận và rủi ro, đừng nhắm mắt lao theo và mua đúng đỉnh.
Hãy biết phân biệt lựa chọn những dòng tiền thông minh thực sự, chứ không phải dòng tiền “giả dối”.
Tiếp chuyện phương pháp đầu tư
Nói chuyện thị trường vùng đỉnh đã nhiều, cảnh báo sớm cũng có, nhưng chắc chắn là không ai biết trước thị trường lập đỉnh ra sao cả, mà chỉ chém gió sau khi nó diễn ra.
Còn tiền là còn cơ hội. Và chuyện tài khoản luôn cần có tiền mặt quan trọng ra sao chắc nhiều bạn đã thấm.
Tiền vẫn đang thoát ra, muốn nó quay lại, cần có lý do thuyết phục.
Lan man thêm chút về phương pháp đầu tư, như đã nói, trừ khi bạn làm nghề liên quan trực tiếp đến chứng khoán, nếu bạn có công việc chính khác ngành nghề, bạn cũng cần dành thời gian để tận tâm với công việc đó. Nhưng rồi lún sâu vào chứng khoán đã làm cho bạn thay đổi, nhiều khả năng tích cực thì ít, mà tiêu cực thì nhiều.
Thói quen đeo bám bảng điện tử, đánh T +, lướt sóng mua bán mỗi ngày làm cho bạn thấy sảng khoái, thú vị, cuốn hút lúc đầu. Đi đâu cũng khoe mình là nhà đầu tư chứng khoán, quan hệ rộng, bàn toàn chuyện đại sự quốc gia, kinh tế vĩ mô, vi mô, chính trị thời sự trong nước và quốc tế đủ cả, thuộc mã cổ phiếu như bảng cửu chương, kể cũng sang trọng… nhất là trong con sóng tăng lớn, mọi con mắt đổ dồn vào thị trường chứng khoán (mà sự thật có khi tài khoản bạn lại đang lỗ)…
Lâu dài bạn được gì. Nếu lãi thì chúc mừng bạn. Bạn nên chuyển nghề sang đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng rất tiếc, đa phần sẽ lỗ vì nghiên cứu thống kê bảo khoảng 80%, thậm chí có nhiều người tin là 95% nhà đầu tư lỗ mà42.
Chìm đắm vào phân tích tìm kiếm thông tin hàng ngày, nhớ như in giàn khoan dịch chuyển mỗi ngày bao nhiêu m, Mỹ bắn trượt bao nhiêu quả tên lửa, Đao Zôn tăng giảm mỗi đêm ra sao… ko giúp ích đc gì nhiều.
Khi bị lỗ do chọn sai cổ phiếu, sai thời điểm – lệch sóng, lướt nhầm… bạn có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy lỗ – cắt lỗ – và lỗ. Tâm lý bi quan ngự trị, chỉ tính sao tìm được mã nào nhân tài khoản vài lần trong vài ngày. Vừa mua mã này lại thấy người khác nói mã khác “ngon”, lại muốn chuyển sang. Cổ phiếu vô biên mà nguồn lực có hạn. Tất tay vào 1 cổ phiếu thì không dám, mà chia tiền mua 10 mã nhằm giảm rủi ro thì không nhanh giàu…
Dần dà, sau vài cú vấp ngã, bạn nghi ngờ năng lực của mình, đi tìm cứu cánh bên ngoài, và đánh mất niềm tin. Tâm tính bị ảnh hưởng, vui buồn thất thường ngắn hạn theo diễn biến VNI từng ngày.
Mua cổ phiếu về, lúc cần cắt lỗ thì không dám, lúc quyết định cắt thì đúng đáy. Lúc mua thì thấy giá cứ giảm tiếp. Tăng chút vội bán ra. Lúc bán rồi giá vẫn tăng nhưng không dám mua lại, ngậm ngùi tiếc. Lúc đủ dũng khí nhấn lệnh mua – đúng vùng đỉnh…
Cuối cùng vẫn là lỗ chồng lỗ. Chỉ béo phí hoa hồng môi giới và công ty chứng khoán cùng sở thuế hưởng lợi, tỷ lệ thuận với tần suất lướt sóng của bạn.
Trong khi đó, công việc chính thì bê trễ, kém hiệu quả. Còn cố căng ra mà hoàn thành 2 tay 2 việc thì phải làm đêm làm hôm, sức khỏe giảm sút, ít có thời gian quan tâm đến gia đình, bạn bè, cuộc sống thường nhật, các sở thích cá nhân và thậm chí là không dành thời gian thể dục nâng cao sức khỏe tinh thần, trí lực… Bạn sẽ như người tự kỷ đầu chỉ nghĩ đến bảng chữ cái lộn xộn của các mã cổ phiếu, và mong tìm ra cách lấy hết tiền của các công ty chứng khoán SSI, VND về làm của mình…, sức đề kháng với thị trường cũng yếu đi…
Bạn rút ra được những kinh nghiệm gì từ những thất bại?
Làm gì cũng vậy, đã làm cần chuyên nghiệp. Đầu tư tay ngang cũng vậy thôi. Cố mà chen chân vào nhóm 20% không lỗ.
Hãy có trách nhiệm với tài khoản ngay từ đầu vì học phí chứng khoán rất cao. Nhắc lại cho nhớ, kinh nghiệm trong chứng khoán được trả giá bằng rất nhiều tiền.
Hãy xây dựng phương pháp đầu tư phù hợp với mình và tuân thủ kỷ luật.
Hãy học chút TA. Lái cuốc gia “chọc” những thánh tôn sùng TA quá thể đáng, lòe người khác thôi, chứ TA rất hữu ích, để có thể (có thể thôi) chọn thời điểm mua bán hợp lý hơn, chủ động hơn.
Không theo dõi liên tục được thì hãy thiên về đầu tư dài hạn. Không cần ngồi canh bảng cả ngày giao dịch mà chỉ cần chọn lọc những khoảng thời gian hợp lý, hay phù hợp với bạn. Ngày chỉ cần dành khoảng một tiếng tổng hợp, xem lại diễn biến chung của thị trường, xem các thông tin liên quan đến mã cổ phiếu của mình và danh mục chính cần theo dõi là đủ.
Khi đã lựa chọn cổ phiếu, hãy đi dài hơi theo nó. Chia tiền và có chiến lược mua hợp lý. Không đua mua xanh, không tranh bán đỏ. Cổ phiếu tốt về vùng đáy thì mua mạnh. Lên đủ lãi, đủ kỳ vọng thì bán dần một tỷ lệ nhất định. Cũng đừng quá tham lam muốn ăn tất cả từ gốc đến ngọn. Điều đó không hề dễ dàng chút nào. Thu hồi dần vốn khi đã có lãi, và giữ lại một phần để đi dài hạn đến hết con sóng, đó là cách để bạn bảo vệ tài khoản lâu dài.
Luôn vui vẻ lạc quan… và kiên nhẫn chờ đợi, đừng lung lạc ý chí, đừng vội bán hết sạch cổ phiếu mà bạn đã nghiên cứu kỹ và kỳ vọng cao, đúng vào thời điểm trước khi giá bứt phá. Đau lắm đấy. Ví dụ, VIC cần 5 năm tích lũy, để bứt phá trong 5 tháng. Nên chuyện nắm giữ một cổ phiếu 6 tháng hay 1 năm không có gì ngạc nhiên. Chỉ cần 6 tuần đến 10 tuần là đủ, thậm chí có nhiều cổ phiếu, giá chỉ thực sự tăng mạnh trong vài ngày. Nhưng để có vài ngày, hay 6-10 tuần đó, thì rèn luyện việc nắm giữ 6 tháng đến 1 năm, dù chỉ vài lần, vài mã, lại là rất cần thiết. Tất nhiên, bạn luôn phải cân nhắc đến chi phí cơ hội của việc nắm giữ cổ phiếu, nhất là trường hợp chọn nhầm ngay từ đầu.
Nếu đang lỗ triền miên, hãy suy nghĩ và thay đổi phương pháp đi bạn.