Chương 1: Những câu chuyện cổ phiếu
Chỉ số chung VNINDEX (VNI) có thể tác động nhất thời đến xu hướng ngắn hạn của một cổ phiếu, nhưng nếu cổ phiếu đó có nền tảng cơ bản vững mạnh, thì nhiều khi, nó sẽ có cách vận động riêng ít phụ thuộc vào VNI. Còn khi cộng hưởng trong một xu hướng tăng trưởng chung của thị trường, nó sẽ có giai đoạn bứt phá ngoạn mục sau khi đã tích luỹ đủ. Thời cổ phiếu lên ngôi.
Phân tích kỹ thuật (TA) với những cổ phiếu đó (và thực ra thì nói chung cả các cổ phiếu khác, và với VNI), chỉ như chiếc la bàn xem hướng, hay đèn soi đường với tầm nhìn “ngăn ngắn” mà thôi. Khó mà dự đoán được cơn “lên đồng” của đám đông sẽ đẩy giá một cổ phiếu (hay một nhóm ngành) tăng đến đâu, và đường giá dịch chuyển ra sao mỗi ngày.
Bởi lẽ, biểu đồ TA đơn giản là sự ghi nhận, phản ánh quá khứ và hiện thực (đang diễn ra) của các biến động giá và khối lượng giao dịch trên thị trường, nó không vẽ chính xác và duy nhất đúng được về tương lai, mà chỉ là những dự báo, có sai số, trúng và trượt, đúng và sai đan xen. Thường thì với số đông ham lướt sóng, phụ thuộc vào TA chỉ giúp “ăn” từng khúc nhỏ trong những con sóng nhỏ, và hạn chế tổng lãi, thay vì tối đa hoá lợi nhuận trong những con sóng lớn. Những người mới vào thị trường có thể nghi ngờ điều này, cho đến khi hiểu và sử dụng thành thạo TA3.
3 Vấn đề này sẽ còn được trao đổi nhiều ở phần sau.
Vượt qua được tình trạng lệ thuộc vào TA, để kiên trì đi hết câu chuyện riêng của cổ phiếu nào đó từ những ngày đầu, trải qua nhiều “sóng gió” và đến lúc gặt hái mùa màng bội thu là điều không dễ dàng, nhất là với những người quen chơi T+, khá phổ biến ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Muốn có lợi nhuận bền vững, nhà đầu tư không chỉ cần tiền vốn ban đầu, họ cần có thời gian, và tìm được những cổ phiếu tăng trưởng “đi cùng năm tháng”.
Lấy ví dụ một số cổ phiếu cụ thể4: Đầu tiên, phải kể đến VNM. Khi cổ phiếu VNM tăng trưởng liên tục và mang lại trái ngọt cho những nhà đầu tư dài hạn sau hơn 10 năm, nó luôn có những câu chuyện hấp dẫn xuyên suốt về nâng tầm thương hiệu, về cải thiện năng lực cạnh tranh, dẫn đầu thị phần trong nước và vươn ra quốc tế, về vai trò người đứng đầu, về thoái vốn nhà nước, thất bại rồi thành công…
CTD, VCS cũng là câu chuyện về chàng tí hon biến thành người khổng lồ.
Thế giới di động MWG từ khi lên sàn cũng muốn viết câu chuyện riêng của nó, về sự tăng trưởng thần kỳ và liên tục.
FPT là câu chuyện của thời CMCN 4.0, về nỗ lực tự làm mới, về chuyện người khổng lồ trở lại, về chuyện thoái vốn và những triển vọng tương lai.
HPG đang viết câu chuyện tiên phong về giấc mơ sản xuất thép…
Câu chuyện của SDI, HBC, DXG,… cũng đã, đang viết ra theo nhịp độ tăng trưởng và phát triển của các dự án, phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
MCH vì câu chuyện “nước mắm” mà giá giảm mạnh khi mới lên sàn, nhưng rồi đã tăng mạnh trở lại khi mọi thứ lắng xuống, và tiềm năng vẫn rộng mở.
Hay, câu chuyện mía đường ngọt lịm BHS, SBT mà dư vị có đôi lúc “đắng lòng”, liệu có “ngọt hậu” với nhà đầu tư.
SAB, BHN, VCG, VGC là câu chuyện thoái vốn thương hiệu đầu ngành, được chú ý nhiều bởi dòng vốn ngoại. Với SAB, đã rất thành công. Chúng ta có cơ sở để chờ đợi câu chuyện BHN.
VIC, VHM, VRE, MSN là câu chuyện của thương hiệu tư nhân hút dòng tiền ngoại, và sau kỳ ngủ đông, đây là thời điểm nó cần phải bùng nổ để chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số VNI, vận động theo cách riêng của nó.
Dòng họ dầu khí đã có câu chuyện vui, rồi buồn, và giờ thì niềm vui đang trở lại. GAS, PLX và sắp tới, một loạt họ dầu khí (BSR, POW, OIL, PVD, PVS, DCM, DPM…) sẽ là chuyện thoái vốn, cơ cấu lại đầy hấp dẫn, cùng với diễn biến thuận lợi của giá dầu.
Ngành hàng không cũng có những câu chuyện hấp dẫn như thế, với ACV, HVN và VJC. Thuyết “âm mưu đánh xuống” HVN khi mới lên sàn và sự đối đầu cạnh tranh đầy kịch tính với VJC đã đẩy hai cổ phiếu về hai thái cực khác nhau. VJC đã chứng tỏ được “đẳng cấp” khi bay lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, người biết nắm bắt được cơ hội cũng đã thấy HVN là món hời từ giá 2x, và chờ đợi kịch bản chuyển sàn, thoái vốn.
Ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm được hưởng lợi chính sách vĩ mô và đang ngấm đến từng nhà đầu tư trong hiện tại, rõ nhất là ngân hàng. VCB, CTG, BID… những thương hiệu hàng đầu và kỳ vọng nới room, tăng vốn. ACB trở lại mạnh mẽ, MBB trẻ và khỏe. Giờ cũng là lúc lựa chọn những mã nào còn có chuyện riêng đủ hấp dẫn dài hơi, ví dụ STB đang tái cấu trúc, bước vào giai đoạn mới. BMI, PVI cũng là “món ngon” thoái vốn.
MSR là câu chuyện tài nguyên được khai thác ở mỏ và “khai thác” trên thị trường chứng khoán. Hấp dẫn từ ngày đầu lên sàn, cho đến lúc vươn mình trở lại, sớm hay muộn, sẽ khẳng định vị thế dẫn đầu.
VEF là câu chuyện của tiềm năng thì tương lai, và khó khăn thì hiện tại. Nó đang chờ đến thời điểm bùng nổ, khi mà công trình triển lãm quốc gia dần được hình thành, chứ không chỉ là mô hình triển lãm.
Dệt may là câu chuyện gắn với TPP vài năm qua, lúc bùng cháy và lúc tắt ngấm (TCM, EVE, TNG…). VGG, VGT là đầu ngành và thoái vốn. Nhưng câu chuyện như mới chỉ bắt đầu (CPTPP).
CEO cũng đã và đang viết câu chuyện riêng, chờ đến thời điểm dòng tiền nhớ ra những tiềm năng của nó với những dự án gắn với từ khóa “đặc khu”.
GTN là câu chuyện các tổng công ty đầu ngành, trực thuộc một công ty tư nhân, nhưng nắm trong tay những thương hiệu quốc gia, và làm nghề nông thời hội nhập. Đã có trong tay đủ bột, liệu có gột nên hồ. Vẫn chỉ đang ở những chương dạo đầu, hứa hẹn nhiều bất ngờ phía trước.
KDC cũng có chuyện tương tự, thành công trong quá trình tái cơ cấu và mong muốn thống trị thị trường dầu ăn…
OGC, PVX… là câu chuyện tái cấu trúc và đi lên từ vũng bùn. Nếu con vịt hoá thành thiên nga thì rất đẹp, nhưng không hề dễ dàng.
Cùng với đó, trong quá trình thị trường đi lên phá đỉnh, trước hay sau, dòng cổ phiếu chứng khoán (SSI, HCM, VCI…) cũng thu bộn tiền.
SCR đi lên từ giá 8-9, thực ra năm 2017 là thành công. Một nhịp đẩy dài đến 13 là khởi động cho nhịp chạy sớm đón đầu, của dòng tiền thời đầu vội vã. Nhịp điều chỉnh vừa qua là cần thiết để bứt phá ngoạn mục trong tương lai, khi đã xây nền vững chắc. Hãy học cách kiên nhẫn để đọc, lắng nghe câu chuyện riêng của nó.
Còn nhiều mã cổ phiếu khác đại diện cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong các ngành, lĩnh vực đáng chú ý, như thủy sản, nông nghiệp, tiêu dùng, bất động sản, logistics… cũng đang viết câu chuyện riêng, trong dòng chính sách vĩ mô đã, đang và sẽ được khơi thông; trong sự ảnh hưởng của chính trị, kinh tế thời chuyển đổi, theo lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước được thúc đẩy rốt ráo; những hứa hẹn hấp dẫn từ quyết tâm cải cách cơ chế vận hành, hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường chứng khoán nhằm thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế…
Nếu kiên nhẫn để đọc hết một câu chuyện cổ phiếu, em sẽ hiểu được, thấy được, ngẫm và ngấm được cái hay, cái dở. Không dễ. Em sẽ thấy, TA chỉ như là một công cụ hỗ trợ cách đọc một số nội dung, trong mỗi phần của câu chuyện dài. Có người chỉ lật xem vài trang, có người muốn chọn đọc đoạn hay, có người không may đọc đúng đoạn dở nhất, hay vớ phải những câu chuyện dở từ đầu đến cuối. Cuộc sống là sự lựa chọn mà.
Câu chuyện hay dở trên thị trường chứng khoán không chỉ có TA, mà liên quan mật thiết đến các yếu tố nền tảng cơ bản của doanh nghiệp, đến chu kỳ kinh tế vĩ mô, chu kỳ sản xuất kinh doanh hay vòng đời phát triển của mỗi doanh nghiệp… Mặc dù nhà đầu tư chứng khoán có thể không (muốn) làm chủ một doanh nghiệp theo đúng nghĩa, nhưng lại cần hiểu rõ các yếu tố trên, nhất là với những nhà đầu tư chọn chứng khoán là điểm khởi nghiệp, hay muốn trở nên chuyên nghiệp.
Câu chuyện chứng khoán là thế, hãy tìm và lựa chọn được những câu chuyện cổ phiếu hay của 2018-2019 và xa hơn nữa, nhiều câu chuyện hấp dẫn vẫn đang được viết, chỉ những chương đầu5.