Lưu ý về một số mô hình dự báo tăng giảm giá
Có lẽ một trong những điều hấp dẫn nhất giới TA, là những biểu đồ, mô hình trực quan hứa hẹn sự tăng hay giảm giá.
Những tam giác vàng mà đường giá vẽ ra luôn mang lại kỳ vọng sự đè nén để rồi bứt phá. Những vai đầu vai gợi liên tưởng như thiếu nữ ở trần, dù ngược hay xuôi đều hấp dẫn. Những chén thánh luôn mang lại những bất ngờ, chứa rượu độc hoặc sự trường sinh…
Và mọi thứ trở nên lung linh huyền ảo, qua lời “khoác lác về quá khứ” của những thánh cuồng TA. Đồ thị (biểu đồ), chỉ số, mô hình TA trở thành chiếc đũa thần kỳ, mà các “ông tiên, bà tiên” TA chỉ cần chạm nhẹ, diễn biến giá của một mã cổ phiếu bất kỳ, có khi chưa hề không biết tới, không hề đầu tư, bỗng trở nên trần trụi, phơi bày trước mắt, cả quá khứ, hiện tại, và (ảo tưởng) về tương lai, “phán” vanh vách như trong lòng bàn tay vậy.
Dĩ nhiên, sai hay đúng không phải khi nói về quá khứ, mà là vấn đề hiện tại và tương lai gần. Chỉ là 50-50 thôi, hỡi các con gà. Các con gà hay các “chiên da” vẽ được đồ thị giá và các chỉ báo kỹ thuật, tưởng tượng, suy luận được, thì “lái” của những con hàng cờ bạc, cũng biết cách vẽ ra được đường giá, và chủ động nắn theo ý muốn được.
Ngoài ra thì giới TA cũng luôn nghi ngờ và tranh cãi về cái gọi là sự lặp lại của những gì đã xảy ra trong quá khứ, đã được phản ánh vào giá qua mỗi thời kỳ. Một số người khẳng định chắc chắn nhìn vào quá khứ, sẽ đoán được tương lai của biến động giá. Nhưng thực tế, nó không giống như khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ. Qua lăng kính nhiều thánh TA, thì giá cổ phiếu lên xuống, tăng giảm và lặp lại theo từng bước sóng, có thể đo đếm độ dài ngắn được. Đâu có dễ như thế khi đi vào chi tiết. Nên mới có chuyện đoán đỉnh mãi không trúng như hiện nay.
Rồi nữa, mô hình hài hoà tăng/giảm giá hình bướm, cua và dơi, dạng tìm các đỉnh XABCD, ABCD,… được ưa chuộng những năm 2000 trên thế giới, giờ nở rộ ứng dụng chém gió trên f319. Mặc dù nhiều tác giả14 đã cố chứng minh đây là những nghiên cứu và phát triển độc lập, nhưng rõ ràng, nó vẫn dựa rất nhiều vào việc tính các bước sóng, đặt trong các kênh xu hướng, và, rất quan trọng, những tỷ lệ vàng fibonacci.
Dù sao, nó đã chứng minh trên thực tế độ tin cậy khá cao, ở nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Nhưng không phải không có những hạn chế cần chỉ rõ khi sử dụng, chớ nên mập mờ và ỡm ờ.
Tiếp chuyện về mô hình TA đang thịnh hành
Một nửa sự thật chưa phải sự thật. Một nửa con bướm chưa phải con bướm. Một nửa con cua, con dơi, hay con củ khoai cũng vậy. Đừng vội vàng tin ngay, hiểu chưa các con gà. Một nửa bờ vai e ấp nhìn thấy, biết đâu của một gã đàn ông.
Cũng như một nửa cái cốc chưa có quai hay tay cầm, đừng cố ép nó phải là chén thánh. Các thánh TA có thể tha hồ tưởng tượng, nhưng không nên khẳng định chắc chắn khi mô hình chưa được hình thành. Hãy vẽ ra để ngắm, và tự sướng, mà thôi. Tất nhiên, chẳng ai cấm ai không được kỳ vọng hay mơ mộng, suy đoán cả. Nhưng cũng không ai bắt ai phải vội tin theo được. Đừng ngây thơ. Đừng áp đặt ý nghĩ chủ quan lên thị trường.
Dơi, cua hay bướm chỉ có thể bước đầu khẳng định khi đường giá đã đi đủ lâu để xác lập mô hình, để vẽ xong một con gì đó, rồi mới dự đoán cho biến động tiếp sau. Và ngay cả khi đó, nó vẫn chưa chắc chắn. Vẫn có những thay đổi, bởi nhiều yếu tố khác, hoặc đơn giản nếu lao vào chiếu bạc, thì TA có thể vẽ ra để lừa nhau.
Tác giả các mô hình này khi hiệu đính các cuốn sách cho lần xuất bản sau, luôn thòng một câu về lo ngại sự đổ gãy của các mô hình trên những thị trường minh bạch nhất nhì thế giới. Và luôn khuyến nghị tham khảo chéo các chỉ báo kinh điển khác.
Trong khi đó, ở xứ ta, các con gà nhẹ dạ tin vào một bức tranh, vẽ “bậy” mà để đường giá, giả sử có ăn may mà đúng, cũng phải mất hàng quý, hàng năm để diễn ra na ná, hoặc cố gượng ép cho giống giống như dự đoán15. Chưa kể, khi mô hình đã trở nên phổ biến và nhiều người hứng thú áp dụng theo, thì những “cái bẫy” tăng giá, giảm giá lại có thể được giăng sẵn, khai thác sâu vào những điểm yếu của mô hình.
Nhưng nói thế, cũng không phải là sự phủ nhận sạch trơn. Đây vẫn là những mô hình đẹp, có độ tin cậy để kiếm tiền nếu biết đúng cách. Và nếu biết ứng dụng để “đánh bạc” thì cửa thắng cũng cao hơn nhiều, dựa vào cơ sở suy đoán sớm những khả năng diễn biến tiếp theo của đường giá, sau khi mô hình dự báo đã hình thành, kết hợp với các chỉ báo có độ tin cậy cao khác.
Nói đến TA, thì khái niệm dòng tiền cũng được lạm dụng loạn xì ngậu. Nhiều thánh biết hoặc không biết, cứ thích phân tách nó khỏi TA, cũng như Dòng tiền thông minh vận động trên thị trường chứng khoán nhé, không nói mấy khái niệm khác.
Dòng tiền này, dù thông minh, đầu tư hay đầu cơ… đều được phản ánh qua lăng kính TA, từ thị trường chung, đến nhóm ngành, và từng cổ phiếu riêng lẻ. Nhưng để nhìn từ những hình vẽ lằng nhằng mà nhận biết đúng, thì không dễ16. Muốn tập làm nhà đầu tư thông minh, hãy đi theo dòng tiền thông minh, luôn thường trực, sôi động, vào ra thay mới ở các mã cổ phiếu cơ bản kinh điển và dẫn đầu các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp ngự trị, hay những công ty có nền tảng vững mạnh, tiềm năng lớn, thương hiệu uy tín… Hãy tạm chấp nhận thế khi còn là gà cho an toàn. Vì dòng tiền ở đó đủ thông minh, đủ lớn để vào ra thanh khoản dễ dàng, có thể lúc đầu làm đau, nhưng càng về sau càng thích.
Thế thì TA chẳng ích gì? Không phải.
Chỉ nói “châm biếm” thế cho mấy bạn cuồng TA, cũng như những người chưa biết gì về TA hoặc nghĩ rằng TA quá khó để áp dụng, hiểu rằng, TA chỉ là công cụ hữu hiệu, khi biết sử dụng nó một cách chừng mực, trong hàng chục, hàng trăm các yếu tố khác liên quan đến hành vi mua và bán. Trong thế giới bất định và thông tin bất đối xứng, trong khi các hành vi mua bán không phải lúc nào cũng tuân theo mấy cái lý thuyết kinh tế kinh điển, thì TA, như một cái la bàn chỉ hướng đi17. Nhưng, rất nhiều người cầm la bàn trên tay mà vẫn đi lạc như thường.
TA cốt chuộng sự đơn giản. Chỉ nhìn đồ thị VNI trong tưởng tượng, chắc chắn sẽ phá vỡ 1000 trong tương lai18. Gần hay xa, sáng hay chiều, thì nó vẫn đúng ở thì tương lai thôi.
Tiếp chuyện “giải ảo” TA
Các con gà hãy cảm ơn các cao thủ, thấp thủ TA ngày đêm miệt mài chia sẻ phân tích đồ thị trên f319 và các trang mạng xã hội. Không ít trong số đó, chủ động hoặc ngộ nhận, góp phần nâng tầm TA lên đến mức huyền bí, phức tạp quá thể đáng, và làm cho những con gà, tự ám thị cam phận là gà vì nỗi ám ảnh không hiểu được TA.
Trước hết, có nhiều phần mềm phân tích kỹ thuật, như MetaStock, AmiBroker, MetaTrader hay là Tradingview… Thực sự là với những nhà đầu tư cá nhân, chỉ cần loanh quanh vài mã cổ phiếu, thì chẳng cần quá phức tạp, cứ MetaStock hoặc AmiBroker mà dùng tạm cho lành. Rồi vào mấy trang web tiếng Việt, hoặc tiếng Anh, sẵn có hỗ trợ vẽ biểu đồ miễn phí mà loay hoay tập tành, vì đã tích hợp sẵn rất nhiều chỉ báo phổ biến. Rành hơn rồi thì tìm hiểu tiếp, hoặc trả tiền bản quyền mua AmiBroker mới nhất, hoặc trả phí cho investing.com, tradingview, metatrader 4, 5… để sử dụng cho sang chảnh.
Chỉ cần dành 2 ngày cuối tuần tìm hiểu, cài đặt và mò mẫm, bạn sẽ thấy hữu ích hơn là bỏ vài chục, vài trăm triệu hay vài tỷ mua khôn trên thị trường. Thử đi và đừng tự ti vì ko biết TA nữa. Đừng để các thánh TA huyễn hoặc, ảo tưởng và dọa gà.
Nhắc lại, là TA thể hiện diễn biến giá và khối lượng giao dịch trên thị trường. Nó phản ánh lại các quyết định mua bán của nhà đầu tư. Quyết định mua hay bán thể hiện ý chí cá nhân mỗi nhà đầu tư tại một mức giá trong mỗi phiên giao dịch. Tập hợp lại sẽ cho thấy phần nào tâm lý của số đông, nhớ cho, số đông nhà đầu tư trên thị trường.
Nên nói TA vẽ biểu đồ tâm lý thị trường là có lý của nó. Nhưng không phải và không nên là tâm lý chủ quan, áp đặt của chỉ một vài nhà đầu tư, mà là một tập hợp đủ lớn các nhà đầu tư trong một thị trường, hoặc ít nhất đối với những cổ phiếu mà giao dịch của nó là minh bạch, khách quan.
Vì thế, đừng tranh cãi TA đối với cổ phiếu có “đội lái”. Họ vẽ đồ thị, không hẳn là “thị trường” vẽ.
Hoặc nói khách quan hơn, sau cùng thì chính ý chí/tâm lý/kỳ vọng của đội lái (nếu có) vẫn vẽ ra đồ thị một cổ phiếu cho chúng ta nhìn thấy. Và nó vẫn ghi nhận lại trên diễn biến giá và khối lượng. Không sai, nhưng thiếu khách quan, bị thao túng. Nên đừng cố lấy cái chủ quan của mình, để phân tích cái chủ quan của “đội lái”, theo những khuôn mẫu cứng nhắc của TA.
Cái cần lúc này, là dùng TA để tham khảo và đọc vị đội lái. Đọc vị, chứ không phải áp đặt suy nghĩ của bạn khi dựa vào đồ thị – cái mà bạn đang nhìn thấy, lại là thứ mà người ta đang muốn dùng nó để rắc thóc dụ gà. Bẫy trong bẫy.
Không dễ để thắng trong mọi “trận đánh”, nhưng thú vị. Vì chúng ta may mắn được đầu tư trong một thị trường còn “cận biên”, đang muốn cải cách, nâng cao tín nhiệm, sự minh bạch để chuyển mình sang thị trường “mới nổi”.
Dòng tiền
Trong kinh tế nói chung, khái niệm dòng tiền liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, cấp độ… Dưới đây chỉ diễn nôm phần nhỏ liên quan đến chứng khoán.
Trong chứng khoán, khái niệm dòng tiền cũng mơ hồ không kém. Cứ nôm na là, nước từ những mạch nước ngầm, những khe nước nhỏ chảy dần vào dòng suối, những dòng suối sẽ đổ ra sông. Và những dòng sông chảy vào lòng biển cả. Tiền trên thị trường, thông minh hay không, thật hay ảo, cũng vận động liên tục và chảy theo dòng như thế. Có những lúc lăn tăn, yên ả, và có nhiều khi dữ dội, ào ào như thác lũ.
Dòng tiền thông minh cũng có rất nhiều định nghĩa khái niệm khác nhau. Dẫn đến có nhiều chỉ báo khác nhau liên quan đến dòng tiền và dòng tiền thông minh.
Nói thêm một chút cho các con gà đọc chơi thế này, dòng tiền thông minh thường gắn với dòng tiền lớn của các nhà đầu tư lớn, có tổ chức, của những nhà đầu tư cá nhân đầu tư bài bản, chuyên nghiệp (nên chắc thông minh – tạm xét một vài tiêu chí như biết FA, TA, có nhiều kinh nghiệm chẳng hạn), cũng chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc và thông tin, nhưng thường đi trước, tiên phong vào một/một nhóm mã cổ phiếu nào đó (gom hàng) ở mức thấp và sẽ bán ra (phân phối) ở giá cao cho đám đông quần chúng và gà qué, khi đó mới đang hồ hởi ném những đồng tiền thật vào để đổi sang giấy.
Chỉ báo dòng tiền thông minh, được xây dựng ở Mỹ, thậm chí còn chỉ ra những nhà đầu tư “kém thông minh”, do chịu nhiều ảnh hưởng của thông tin thị trường và cảm xúc lấn át, thường vội vàng mua bán giao dịch lúc đầu giờ, còn nhóm thông minh hơn thì thích giao dịch lúc cuối ngày để hạn chế rủi ro và giảm chênh lệch mức giá…
Thường thì khi nói dòng tiền hay dòng tiền thông minh, hãy cố mà có cái nhìn bao quát, toàn cảnh từ xu hướng chung của thị trường rồi thu hẹp dần đến mỗi ngành, mỗi mã cổ phiếu để dự báo hướng đi. Đừng bỏ qua, hoặc đi ngược lại, hỡi các con gà.
TA, hẹp hơn nhưng cũng có ý nghĩa nếu biết khai thác, phân tích dòng tiền dựa vào các biến động trong ngày/kỳ theo dõi về giá và khối lượng. Những cái này giờ các phần mềm tính toán miễn phí đầy ra, kéo chuột phát là xong. Muỗi.
Nói lan man thế, để nhắc những con gà, hãy nhớ, khi người “cuồng” TA khoác lác về dòng tiền, hãy hỏi lại họ đang dựa trên cách tiếp cận nào, có cơ sở thực sự tin cậy để nắm bắt, biết trước được sự luân chuyển của dòng tiền không. Bị động đi sau dòng tiền lớn, lúc leo dốc thì thấy chậm chân và dễ hụt hơi, mà lên đến đỉnh chưa kịp vui mừng đã bị nó cuốn xuống đáy nhanh như thác đổ.
TA, ngoài chỉ số dòng tiền MFI, các chỉ báo khác, CMF, OBV chẳng hạn, cũng có thể chém gió về dòng tiền, với độ tin cậy tốt. Nhìn qua đồ thị, hoặc dùng bộ lọc lọc cổ phiếu cũng có thể chém gió chung chung về cái gọi là dòng tiền âm, dòng tiền dương, quá mua, quá bán, phân kỳ hay dấu hiệu đảo chiều xu hướng… Nhưng nếu đơn giản thế, thì chỉ cần biết TA là vơ được hết tiền thiên hạ rồi à.
Bản thân một chỉ số MFI hay MA hay OBV riêng rẽ… là không đủ để kết luận, mà thông thường, TA đều tham khảo thêm các chỉ báo khác như RSI, MACD… để cân nhắc kỹ hơn, đầy đủ hơn. Cũng như phải xem xét cả xu hướng, kênh giao động chi tiết của MFI để chém gió.
Nhiều người thấy cây mà không thấy rừng, hay nói chỉ cần đánh chứng theo dòng tiền, sẽ nhiều lúc phán bậy vì độ trễ, độ lệch pha, và độ tinh khôn của “lái” khi dùng giá và khối lượng “quay tay” tác động đến các chỉ báo TA – chẳng riêng gì dòng tiền cả, để lái các cổ phiếu không hề xứng đáng được vẽ ra đồ thị.
Các con gà, đó là lý do nếu vẫn tiếp tục làm gà, thì sẽ bị thịt. Nhiều con gà từng mắc sai lầm, khi nhìn/nghe người ta nói chỉ báo TA cho thấy dòng tiền vào mạnh và những con gà lao theo. “Bọn thông minh”, nó úp
bô cho phát, cướp hết cả tiền “bọn kém thông minh”. Ai bảo đã kém thông minh, còn tham.
Nhắc lại và hãy nhớ, xu hướng thị trường, vốn dĩ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi chu kỳ kinh tế lớn, và những biến động chính trị, chính sách quốc gia… tác động tới kinh tế vĩ mô và vi mô, đến lượt nó, sẽ tác động tới hướng đi của dòng tiền. Sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận lúc nào cũng có. Nó trở nên sôi động hơn trong sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế. Cứ việc đi cùng, hoặc đón đầu một vài mã cổ phiếu cơ bản tốt, đầu ngành, có những câu chuyện hay… là đến lượt. TA ư, nhiều khi, nó chẳng là cái gì cả, hãy nghĩ thế cho nhẹ đầu. Thị trường chung đang lên là cơ hội cho những người thích chém gió.
Hỡi những con gà, hãy tự tin đứng vững trên đôi chân của mình, khôn dần lên và nghe cho rõ: Dòng tiền thông minh được dẫn dắt bởi những nhà đầu tư thông minh, không phải đàn gà.
Đừng kiếm ăn cùng bầy gà con, hãy tìm cách ăn những con gà đó.
Lại chuyện dòng tiền trong TA
Nhiều bạn chưa rành TA thường khó hiểu khi nghe khái niệm dòng tiền và các khái niệm liên quan như dòng tiền âm, dòng tiền dương…
Nhiều người sẽ nhầm lẫn giữa chỉ báo dòng tiền trong TA, với cách gọi trừu tượng dòng tiền (thông minh) dịch chuyển trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, hoặc đồng nhất dòng tiền khi phân tích kỹ thuật một cổ phiếu riêng lẻ với dòng tiền chung vận động trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù thực tế có thể ngoại suy ra sự luân chuyển này qua phân tích kỹ thuật chỉ số nhóm, ngành, hoặc VN30, VN100… Tuy nhiên, cảm quan nhìn bảng giá điện tử và cổ phiếu theo từng nhóm ngành cũng có thể nhận thấy sự luân chuyển dòng tiền trên thị trường chứng khoán, mà ko cần TA, hoặc trả học phí quá đắt cho mấy lớp TA căn bản khi bạn có thể dễ dàng học qua Google.
Một số người lại quá lạm dụng khái niệm dòng tiền, mập mờ không phân biệt rõ giữa việc sử dụng khái niệm dòng tiền với vai trò và phạm vi ứng dụng, ưu nhược điểm của một vài chỉ báo có liên quan tới dòng tiền trong phân tích kỹ thuật.
Các chỉ báo kỹ thuật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến dòng tiền trong TA thì có nhiều, và cách (công thức) tính toán có thể (phức tạp hay đơn giản) khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại đều xuất phát từ: hoặc là giá, hoặc là khối lượng, hoặc cả giá và khối lượng. Các chỉ số, mô hình phân tích, hệ thống trading mà không biểu diễn các dao động xung lượng thị trường dựa trên giá, khối lượng thì không bàn đến ở đây.
Một cách đơn giản nhất (lưu ý là ở đây đã giản lược công thức tính, vì trên thực tế máy tính làm giúp rồi, chỉ cần nhìn biểu đồ mà phán thôi) là:
- Nếu so sánh giá trị của ngày hôm nay so với hôm qua (lưu ý với các thánh TA là nói đơn giản cho nhanh, bỏ qua công thức tính toán chi tiết của từng chỉ báo, thường liên quan đến giá cao nhất, giá thấp nhất, giá đóng cửa, ví dụ: Giá trung bình = (giá cao nhất + giá thấp nhất + giá đóng cửa)/3), thì:
+ khi giá (trị tính toán) hôm nay nhỏ hơn giá (trị tính toán) hôm qua thì ghi nhận giá trị (dòng tiền) âm;
+ nếu giá (trị tính toán) lớn hơn 0 (hay nói nôm na giá hôm nay cao hơn giá hôm qua, cho đơn giản) thì dòng tiền là dương.
- Hoặc tương tự cách so sánh với khối lượng. Và cũng tương tự với giá và khối lượng, vì giá x khối lượng = tiền (theo khối lượng) mà thôi.
Tập hợp các giá trị âm thì được biểu đồ giá trị âm và các giá trị dương thì được biểu đồ có đoạn biểu diễn nằm trên đường ranh giới 0 (và thường biểu diễn cùng với màu sắc khác nhau). Nhiều người sẽ căn cứ vào các giá trị > 0 hay < 0 này để nói là dòng tiền âm hay dòng tiền dương. Nói thế cũng được, nhưng quả là gây khó cho người nghe không hiểu rõ phân tích kỹ thuật, mà cũng không đúng bản chất vấn đề lắm. Lại dễ nhầm lẫn với dòng tiền (thông minh – phạm vi rất rộng) luân chuyển trên thị trường.
Có thể thấy, khái niệm dòng tiền ở đây là khá “mơ hồ”, được suy luận từ biến động giá/khối lượng. Và âm hay dương là hiểu một cách tương đối là tiền đang có xu hướng vào hay ra trong một giai đoạn. Áp lực bán (cung) hay sức mua (cầu) đang tương quan ra sao. Giá trị âm không phải là tiền rút ra hết sạch, mà chỉ có nghĩa nó đang nhỏ hơn so với giai đoạn liền trước (hoặc sau): hoặc giao dịch ảm đạm vùng đáy…
Thông thường thì các chỉ báo này biểu diễn áp lực bán và sức mua trên thị trường, hoặc là những biến động khối lượng, xung lượng giá của cổ phiếu. Và đa số những chỉ báo TA thì chưa dừng lại ở đó, các giá trị âm dương này còn được tính toán theo một công thức nhất định để cho giá trị sau cùng, rồi mới lấy đó để biểu diễn thành các đường chỉ báo trên đồ thị.
Đến lúc này, khi nhìn những đường RSI, MFI, MACD, CCI, CFM, OBV… trên biểu đồ thì đã đơn giản hơn nhiều. Cũng không cần thiết phải gọi là dòng tiền âm hay dương làm gì. Những người theo TA chỉ cần biết thực chất MACD cắt lên, hay cắt xuống đường tín hiệu. RSI, MFI đang quá mua hay quá bán… đã là tạm ổn rồi.
Cộng thêm một vài chỉ báo xu hướng thị trường nữa, và điều quan trọng, cần đào sâu vào phân tích các mối tương quan giữa giá và lượng, đối với từng cổ phiếu cụ thể, từng giai đoạn cụ thể, thậm chí diễn biến giá trong từng phiên, để nâng cao tay nghề.
Cũng lưu ý là các chỉ báo đều có những hạn chế khi áp dụng: có những cổ phiếu giá tăng, khối lượng giảm, tiết cung thì TA có thể phản ánh không chính xác ngay được. Hoặc có chỉ báo chỉ căn cứ vào giá sẽ nhầm lẫn nếu giá đóng cửa quá chênh so với giá cao nhất (hoặc thấp nhất).
Hoặc có những chỉ số chỉ hoạt động tốt khi thị trường có biến động lớn, hoặc trong xu hướng tăng thì rõ nét hơn là xu hướng đi ngang, hoặc có độ trễ, hoặc không nhạy với vùng đáy, vùng đỉnh…
Hãy kết hợp vài chỉ báo lại với nhau, không cần quá 5 chỉ báo, là ổn.