Không có quy định cụ thể về mặt pháp lý nào về thị trường 1 và thị trường 2, tuy nhiên trong thực tế quy ước phân biệt hai thị trường này được hiểu như sau:
– Thị trường 1: nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân. Đây là nghiệp vụ chính trong quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tài chính với khách hàng vay (doanh nghiệp và cá nhân), và phần lớn lợi nhuận hoặc tín dụng đều tính từ thị trường 1. Lãi suất chính tham chiếu cho nghiệp vụ thị trường 1 là lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (“TCTD”) với tổ chức kinh tế và người dân.
– Thị trường 2: còn gọi là thị trường tiền tệ liên ngân hàng, nơi diễn ra các quan hệ vay mượn, mua bán tiền tệ lẫn nhau giữa các TCTD. Thị trường liên ngân hàng là nơi Ngân hàng Trung Ương (“NHTW” hoặc “NHNN”) nhìn thấy diễn biến của thị trường tiền tệ và sử dụng các công cụ tiền tệ để điều tiết cung tiền và lãi suất định hướng. Lãi suất tham chiếu cho thị trường 2 chính là lãi suất liên ngân hàng, NHTW chủ yếu dựa vào số liệu giao dịch của các ngân hàng để đưa ra một con số bình quân, lãi suất bình quân liên ngân hàng, được công bố định kỳ trên trang của NHNN (tại đây)
– Lãi suất chính sách (Policy Rate): Là lãi suất mà NHTW sẽ cho các ngân hàng thương mại vay vốn khi có nhu cầu. NHTW có thể sử dụng các công cụ như lãi suất như tái cấp vốn (refinancing rate), tái chiết khấu (discount rate) hay lãi suất trên OMO để can thiệp định hướng lãi suất chính sách dựa trên các diễn biến trên thị trường 1 và thị trường 2.
– Với thị trường 1 thì các nghiệp vụ chính là quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay vốn là tổ chức kinh tế hoặc là cá nhân. Các tổ chức tín dụng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân có nhu cầu gửi tiền, sau đó cho vay lại với các tổ chức kinh tế và cá nhân khác cần tiền. Với quan hệ hai chiều này thì tổ chức tín dụng là trung gian hưởng lợi từ chênh lệch giữa chi phí lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gọi là NIM.
– Ở thị trường 2 thì bao gồm các nghiệp vụ giữa các tổ chức tín dụng với nhau, chủ yếu nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật hoặc như giải quyết các vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn bổ sung cho thị trường 1. Ngoài ra, việc hoạt động hiệu quả ở thị trường 2 cũng giúp cho các tổ chức tín dụng mang lại lợi nhuận hoặc tiết giảm chi phí nhờ tận dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn.
Lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 có thể chênh lệch nhất định tùy thuộc vào từng thời điểm, tuy nhiên thông thường thì lãi suất thị trường 2 sẽ thấp hơn lãi suất ở thị trường 1. Đặc điểm này là bởi vì đây chỉ là nguồn vốn ngắn hạn tạm thời chứ không phải là nguồn vốn ổn định nên các TCTD chỉ ưu tiên huy động khi thiếu vốn hoặc để đảm bảo các tỷ lệ giới hạn khi cần. Mặc dù vậy, đôi lúc lãi suất thị trường 2 vẫn có thể cao hơn thị trường một cho thấy sự thiếu hụt vốn ngắn hạn do khó khăn trong hoạt động huy động hoặc thiếu hụt vốn nhất thời tại một thời điểm nào đó.
Mối quan hệ liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2
Với một thị trường tiền tệ phát triển thì giữa các cấu phần của thị trường phải có sự thông suốt, vận động cùng chiều với nhau, có nghĩa rằng khi lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng giảm thì lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng giảm, và ngược lại. Điều này được hiểu nôm na là khi TCTD có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ thị trường 2 thì họ không cần thiết phải chạy đua huy động lãi suất cao ở thị trường 1 và ngược lại.
Mức độ chênh lệch của thị trường 1 và thị trường 2 không chỉ phản ánh đặc điểm của các nguồn tiền, mà sự biến động tăng giảm mức độ chênh lệch cũng thể hiện một phần thanh khoản của thị trường tiền tệ. Khi mức độ chênh lệch mở rộng, ví dụ lãi suất thị trường 1 tăng cao mà lãi suất thị trường 2 lại giảm thấp, điều này có thể do một nguồn tiền giá rẻ tại một số ngân hàng khiến cho thị trường mất cân đối. Ví dụ, lượng tiền từ KBNN gửi tại 4 ngân hàng lớn BIDV, VCB, CTG, Agribank khi không được giải ngân sẽ khiến cho các ngân hàng này dư vốn ngắn hạn, họ sẵn sàng cho vay trên thị trường 2 với lãi suất thấp.
Mối quan hệ liên thông giữa thị trường 1, thị trường 2 và lãi suất chính sách.
Lãi suất giữa thị trường 1 và 2 có mối tương quan rất chặt với nhau và cũng rất chặt với diễn biến của lãi suất điều hành của NHTW. Khi muốn điều tiết cung và cầu tiền trong nền kinh tế, NHTW chỉ cần điều chỉnh lãi suất chính sách.
Lấy ví dụ: khi NHTW thấy lãi suất thị trường đang cao và muốn hạ xuống thì có thể điều chỉnh giảm lãi suất chính sách như lãi suất như tái cấp vốn, tái chiết khấu hay lãi suất trên OMO xuống. Điều này khiến cho việc đi vay mượn của các tổ chức tín dụng rẻ hơn, họ sẽ có xu hướng giảm lãi suất huy động từ thị trường 1 và 2. Tuy nhiên, điều này có độ trễ nhất định hoặc còn phụ thuộc vào việc đánh cược lãi suất chính sách kéo dài bao lâu.
Trên đây là những mối quan hệ thông thường giữa các loại lãi suất thị trường 1, thị trường 2 với nhau và với lãi suất chính sách. Trong thực tế, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng tuyến tính mà sẽ có những độ trễ hoặc độ lệch nhất định, phụ thuộc vào đặc điểm thị trường. Một lãi suất chính sách thực chất hoàn hảo là lãi suất ở đó khi điều chỉnh thì sẽ khiến cho lãi suất thị trường 1 và thị trường 2 biến động theo cùng chiều, điều này phản ánh hoàn hảo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHTW.