Với việc tái thiết các khu dân cư mật độ cao, trong đó có khu Văn Chương (quận Đống Đa), Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000 đang được UBND TP lấy ý kiến các bộ, ngành, được nhận định sẽ là dấu ấn đặc biệt giúp nâng cao chất lượng sống của người dân nơi đây, cải tạo môi trường đô thị trên địa bàn.
Được biết, khu tập thể thuộc phường Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960 – 1970, cao 5 tầng. Công trình hiện bị xuống cấp nghiêm trọng, các “chuồng cọp” được cư dân cơi nới. Cùng đó, khu dân cư trong đường nội bộ, quanh hồ Linh Quang đang có mật độ tập trung cao, hoạt động buôn bán tấp nập, dây điện, ô dù, mái che che chắn các hàng quán lấn chiếm gây mất mỹ quan và rất khó khăn cho công tác cứu hộ khi chẳng may có sự cố xảy ra.
|
Phối cảnh phía Tây ga Hà Nội, hồ Linh Quang là điểm nhấn không gian mở thân thiện với môi trường. |
Theo Đồ án Quy hoạch, khu vực Văn Chương (3,4ha) được coi là khu vực ưu tiên phát triển do định hướng tái định cư đã được xem xét từ trước đó. Khu vực hồ Linh Quang (7,9ha) được coi là khu vực ưu tiên phát triển và sẽ được lựa chọn là nơi đầu tiên tiến hành công tác tái thiết, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải tạo toàn khu vực đô thị.
Để đảm bảo tái định cư tại chỗ cho 100% dân số, Quy hoạch tái định cư của Đồ án được chia thành 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 (ưu tiên phát triển đến năm 2025) đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho 13.740 người tương đương mức 136% dân số hiện trạng là 10.140 người; giai đoạn 2 (phát triển đến năm 2030) cùng với giai đoạn 1, thực hiện đảm bảo quỹ nhà ở tái định cư ở mức 114% và thực hiện phát triển; giai đoạn 4 sẽ cải tạo, chỉnh trang dần dần.
Trong đó, giai đoạn 1 – 1, tổng công trình xây dựng quỹ nhà ở tái định cư đáp ứng cho khoảng 7.700 người dân, đảm bảo hơn một nửa dân số tái định cư của khu vực Văn Chương. Giai đoạn 1 – 2, tại khu vực Văn Chương và ga Hà Nội, sẽ xây dựng quỹ nhà ở tái định cư cho tổng cộng khoảng 6.000 dân.Chia sẻ về ý tưởng tái thiết các khu mật độ dân cư cao phía Tây ga Hà Nội, chuyên gia Ryosvke Kimura (Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd – Nhật Bản; đồng thời là Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận) cho biết: Thời điểm hiện tại, khi các dự án xây dựng đường sắt đô thị (loại hình giao thông công cộng có năng lực vận tải vào loại lớn nhất) đang được triển khai, chính là một cơ hội lớn để TP Hà Nội chuyển đổi sang sử dụng giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân.
Chuyên gia Ryosvke Kimura phân tích thêm: Để hiện thực hóa việc này, song song với việc xây dựng hạ tầng đường sắt, cần tái điều chỉnh không gian khu vực phụ cận các ga đường sắt đô thị nhằm nâng cao tính tiện lợi, hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông này. Đối với ga Hà Nội, việc tái thiết các khu dân cư mật độ cao, đường xá nhỏ hẹp ở khu vực phụ cận phía Tây ga còn giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, cải tạo môi trường đô thị.
Theo tìm hiểu, khu vực tái thiết đô thị được định nghĩa tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP là khu vực phát triển đô thị được đầu tư xây dựng mới trên nền các công trình cũ đã được phá bỏ của đô thị hiện hữu.
Như vậy, khu phía Tây ga Hà Nội, trong đó đặc biệt là khu Văn Chương, nếu Đồ án được duyệt và đi vào thực hiện, thì đây là sẽ khu đô thị mới hiện đại, cùng với sự tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng, mà đặc biệt là giao thông đường sắt đô thị, trong quy hoạch tổng thể của Đồ án.